Hải Phòng sẽ mở rộng mô hình trường học mới

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng mô hình trường học mới (VNEN) không chỉ ở bậc tiểu học mà còn nhân rộng lên bậc THCS.

Ngày 25/5, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã tổng kết 3 năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Ngoài việc đánh giá cao những ưu điểm mà mô hình mang lại thì Hải Phòng cũng tập trung vào phân tích những bất cập để từ đó đưa ra lộ trình thực hiện bền vững hơn.

Buổi tổng kết này có sự tham gia của TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cùng với các chuyên viên của Vụ.

Tại buổi lễ tổng kết, bà Vũ Thị Phương Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: Là địa phương thuộc nhóm 3 ưu tiên, năm học 2012-2013 Hải Phòng chỉ có một trường được tham dự Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Đó là Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An).

Năm học đầu tiên áp dụng thí điểm VNEN, Trường Tiểu học Đằng Lâm đã gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với vai trò “hạt giống VNEN”, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường đã nỗ lực cố gắng, sáng tạo trong cách thực hiện. Bên cạnh đó lại kêu gọi được các bậc phụ huynh tham gia phối hợp, giúp học sinh thực hiện các bài tập ứng dụng, đánh giá, tự đánh giá kết quả học tập của con em mình, tham gia các hoạt động của lớp…

Các giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới được Sở GD-ĐT và công đoàn Sở GD-ĐT tặng bằng khen
Các giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới được Sở GD-ĐT và công đoàn Sở GD-ĐT tặng bằng khen

Trước kết quả thực hiện của Trường Tiểu học Đằng Lâm, nhiều đơn vị đã đến khảo sát mô hình và học hỏi. Quán triệt tinh thần VNEN, hiểu sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội nhân văn, tư tưởng cốt lõi của mô hình…, Hải Phòng đã sớm quyết định, quyết tâm, chủ động nhân rộng mô hình. Với lộ trình rà soát, đánh giá thực trạng hàng năm, đồng thời giao quyền chủ động cho từng nhà trường trong việc lựa chọn tham gia mô hình, bằng những kết quả đạt được về chất lượng học sinh, về đổi mới phương pháp, cho đến năm học 2015-2016, Hải Phòng đã có 55.833 học sinh, tương ứng 1.586 lớp của 128 trường thuộc 12/15 quận, huyện đã tham gia dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam.

“Cho đến nay, ngoài các nhà trường tham gia nhân rộng dạy học theo VNEN, các thầy giáo, cô giáo đang dạy các lớp học truyền thống cũng đã chủ động tìm hiểu, học tập và áp dụng cách dạy của thầy, cách tổ chức lớp học theo nhóm, hướng dẫn học sinh tự học theo VNEN mở một số tiết học, nhiều giáo viên đã thực hiện ngay cả trong tiết dạy thực hành thi giáo viên giỏi các cấp, được ban giám khảo đánh giá tốt” – Phó Giám đốc Phương Linh cho hay.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng cho biết, sau 3 năm triển khai thì đa số giáo viên đã năm được phương pháp dạy học, các tổ chức lớp học theo VNEN. Linh hoạt chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh của mình. Tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Đặc biệt VNEN đã tiếp cận cách đánh giá học sinh, coi trọng các đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, đúng với tinh thần của Thông tư 30.

Học sinh đã quen dần với cách học, bước đầu đạt hiệu quả trong việc phát huy khả năng tự học, tương tác trong nhóm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, biết lắng nghe, bày tỏ ý kiến, chia sẻ với bạn bè. Hội đồng tự quản ở một số lớp, trường làm khá tốt vai trò của mình. Việc điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học đã giúp học sinh chủ động, tăng khả năng làm việc cá nhân cũng như các kỹ năng tự giải quyết vấn đề.

Bà Vũ Thị Phương Vinh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đánh giá 3 năm thực hiện mô hình VNEN
Bà Vũ Thị Phương Vinh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đánh giá 3 năm thực hiện mô hình VNEN

Học sinh được hình thành phát triển tốt về năng lực, phẩm chất, các em có môi trường, có cơ hội để Tự quản - Tự học - Tự đánh giá, các hoạt động tổ chức lớp học giúp các em biết Tự chủ - Tự giác - Tự tin trong học tập cũng như trong cuộc sống. Quá trình học tập giúp học sinh được trải nghiệm, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức, sáng tạo và phát triển.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy, ở những lớp sĩ số cao, số học sinh trong nhóm đông, việc học theo nhóm có những hạn chế nhất định. Với trường hợp giáo viên năng lực, sức khỏe có hạn chế, việc bao quát lớp, kiểm soát tất cả học sinh trong giờ học, không bỏ rơi học sinh còn gặp khó khăn.

Việc điều chỉnh tại liệu giúp học sinh tự học tốt hơn rất nhiều, tuy nhiên qũy thời gian, năng lực của giáo viên, các tổ chuyên môn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nên kết quả điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học, chuyển đổi tài liệu hiện hành các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức sang tài liệu Hoạt động hướng dẫn học còn hạn chế.

Mặc dù mô hình VNEN có nhiều ưu điểm nhưng để thực hiện tốt thì phụ thuộc nhiều vào trình độ giáo viên, sĩ số lớp học ...
Mặc dù mô hình VNEN có nhiều ưu điểm nhưng để thực hiện tốt thì phụ thuộc nhiều vào trình độ giáo viên, sĩ số lớp học ...

Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng nhấn mạnh: Hiện tại, do sĩ số các trường đang trong giai đoạn có chiều hướng gia tăng, nhiều trường thiếu giáo viên vì vậy các trường không có điều kiện lựa chọn giáo viên tâm huyết, có năng lực, nghiệp vụ tốt tham gia mô hình. Những giáo viên còn hạn chế chưa hiểu rõ bản chất của mô hình, kỹ thuật dạy học theo mô hình còn phải có thời gian tiếp tục bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, hầu hết ở các trường, diện tích phòng học chật hẹp, các điều kiện cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, không có đủ không gian cần thiết cho các em học tập và hoạt động.

“Điều được lớn nhất là có sự thay đổi tư duy, nhận thức”

Trao đổi với các cán bộ quản lý phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường tiểu học, giáo viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường khẳng định: “Điều lớn nhất khi thực hiện mô hình VNEN đó là đã có sự nhận thức thay đổi tư duy từ lãnh đạo ngành, các nhà quản lý tới Phòng Giáo dục, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường và tới cả giáo viên. Sau 3 năm, Hải Phòng đã tuyên truyền và bằng những việc làm cụ thể nên đã làm cho nhân dân, đặc biệt là phụ huynh mà có con em theo học các lớp VNEN hiểu về mô hình

Bên cạnh đó, ngành cũng đã tìm ra những biện pháp, phương thức, cách thức tổ chức các hoạt động tổ chức giáo dục trong nhà trường. Nghĩa là chúng ta thay đổi từ nhận thức cho đến cách làm. Ta không chấp nhận kết quả đã đạt được mà phải luôn luôn đổi mới để làm sao thế hệ học sinh sẽ là những người lao động trẻ tiếp nối chúng ta. Đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường
Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Xuân Trường, những năm đầu thực hiện, có những lúc “sóng báo chí” rất lớn về mô hình VNEN, không chỉ là khu đô thị mà ngay ở cả các vùng khó. Tuy nhiên quan điểm của Hải Phòng, cái gì đúng quy luật, cái gì tốt và thuận lợi nhất thì dành cho lớp trẻ, dành cho các em học sinh nên đã quyết tâm thực hiện.

“Chúng ta ngồi đây đều là những người học theo cách truyền thống, nghĩa là thầy đưa ra kiến thức còn học sinh thì ghi chép và học thuộc. Bây giờ chúng ta thay đổi theo phương thức giáo viên hướng dẫn công tác học tập để học sinh tự tìm tòi, tự phát hiện và tự khẳng định. Để thay đổi điều này là rất khó. Bên cạnh đó xã hội, phụ huynh cũng vẫn có tư duy như cách học cũ nên việc thay đổi càng khó hơn. Hiện nay chúng ta đã và đang vượt qua được rào cản này để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” - ông Nguyễn Xuân Trường bày tỏ.

Trao đổi với Dân trí, Sở GD-ĐT Hải Phòng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng mô hình VNEN không chỉ ở bậc tiểu học mà còn nhân rộng lên bậc THCS.

Quan điểm của Hải Phòng, đối với các đơn vị đã triển khai, tiếp tục rà soát các điều kiện có ảnh hưởng đến chất lượng triển khai thực hiện mô hình, xác định rõ những mặt tích cực để phát huy, chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, bất cập, đánh giá việc đảm bảo các điều kiện để tham gia mô hình, từ đó có biện pháp tiếp tục bồi dưỡng, bổ sung, tham mưu để thực hiện ở những năm học sau. Việc nhân rộng ở các trường phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác. Có thể áp dụng nhân rộng toàn phần hoặc từng phần mô hình tùy vào điều kiện thực tiễn của đơn vị.

Nguyễn Hùng