“Hắn nói rứa để tôi yên lòng”

Tin con đậu vào Đại học Luật TPHCM khiến bà Hoa nhói cả tim. Đưa củ khoai lên miệng, bà Hoa nói như nghẹn trong nước mắt. “Thật tình trong thâm tâm tôi không muốn thằng Thái đi học lần nữa. Tôi sợ con mình vất vưởng chuyện ăn học giữa đất khách quê người... Mà tôi thì không đủ sức”, bà nói.

Chúng tôi chạy xe về phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) trong cái nắng khó chịu của miền Trung vào một ngày cuối hạ. Con đường liên thôn Khái Tây 2 cứ dài mãi, dài mãi... ra phía vùng cát tha ma. Người dẫn đường là một cán bộ của hội khuyến học phường, anh Dân.

 

Vừa chạy xe, anh Dân vừa xuýt xoa: “Đi trưa thế này nhưng không khéo mấy mẹ con giờ còn dán mặt ngoài ruộng”. Sau hơn 30 phút chạy giữa những trảng cát dài nhức mắt, cuối cùng tôi và anh Dân cũng tìm đến được căn nhà của Nguyễn Hồng Thái, cậu học trò nghèo năm xưa từng vinh dự nhận giải thưởng “Học trò giỏi hiếu thảo” 10 tỉnh miền Trung (do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1999).

 

Không hàng rào, cổng ngõ, ngôi nhà cấp 4 xây dựng chắp vá, không tô trát... nằm chỏng chơ giữa cát trắng. Cậu em út Nguyễn Hồng Hải rót nước: “Hai chú đợi má, má cháu sắp về”. “Má đi đâu?”. “Dạ, ở ngoài đồng hái rau đem ra chợ bán”. 

 

Hồi ức của mẹ: Tôi bạc phận, lấy chồng năm 1980 thì ba năm sau thằng Thái chào đời, ngày ấy vợ chồng tôi ở dưới nước kia... (bà Hoa chỉ tay xuống mép ruộng phía xa xa...), nhưng rồi bão lũ triền miên, vợ chồng con cái bồng bế nhau chạy lên đồi cát này dựng chòi ở tạm. Thằng Thái, thằng Sơn, thằng Hải cũng lần lượt chào đời.

 

Nhưng rồi suốt hơn 10 năm nay, cả ba đứa chúng nó đều thiếu bàn tay chăm sóc của người cha. Ông ấy bị thần kinh, đi đâu mất đến nay vẫn chưa tìm ra... (bà Hoa nói trong nước mắt). Vậy là  ngày qua ngày, một mình tôi lặng lẽ sống, lặng lẽ nuôi con trên triền cát trắng nhọc nhằn.

 

Cả bốn miệng ăn đều gửi gắm vào đôi bàn tay khẳng khiu của người đàn bà lam lũ cùng 100m2 đất trồng rau. Những hôm rảnh việc tôi xin đi phụ hồ, kiếm thêm chút ít để dành đóng học phí cho thằng út. Có hôm phải đạp xe gần 30km mới đến công trường, đến nơi chân tay bủn rủn vì mệt và đói, nhưng nghĩ đến học phí của các con,  tôi gắng gượng làm....

 

“Hắn nói rứa để tôi yên lòng” - 1
 Em Nguyễn Hồng Thái

Tâm sự của con: Năm 2002, tốt nghiệp cấp III, tôi không chọn con đường đại học dù biết khả năng không tệ của mình. Tôi học nghề thợ điện. Hơn một năm dùi mài sách vở, đùng cái trong một lần đến trường, tôi bị tai nạn giao thông. Vậy là ước nguyện sớm ra trường phụ giúp gia đình tan thành mây khói.

 

Biết sức khỏe của mình không cho phép làm nghề leo trèo trụ điện, tôi vừa tiếp tục học nghề để má yên lòng vừa tìm sách vở tự ôn luyện đại học. Ngày tốt nghiệp trường nghề với bậc thợ 3/7 cũng là ngày tôi nhận được tin đỗ vào Đại học Luật TPHCM.

 

Hôm chúng tôi đến, Thái đã vào TPHCM nhập trường được bốn bữa. Theo lời của người mẹ, hành lý Thái mang đi chỉ là hai bộ áo quần, một đôi dép rọ cùng một khoản tiền 1 triệu đồng vay được từ hội phụ nữ phường. “Nhìn con ôm túi xách bước ra khỏi nhà, tôi không cầm được nước mắt. Đến tối, khi dọn giường đi ngủ tôi thấy lá thư nó bỏ dưới gối.

 

Thư viết: Má đừng lo cho con. Hy vọng với chiếc bằng trung cấp điện con sẽ tự trang trải cuộc sống của mình (...). Con muốn được đi học. Lá thư viết vội trên ô vở học trò bị nhòe đi bởi những giọt nước mắt của người mẹ 44 tuổi.

 

“Tôi biết hắn nói rứa là để tôi yên lòng chứ cái bệnh đau cột sống của hắn thì làm sao mà đi làm thợ để có tiền ăn học đây”. Người mẹ vừa nói vừa nhặt từng cọng rau cẩn thận bó lại, một bên vai áo rách bươm vì mưa nắng. Kế bên, thằng Hải gặm đi gặm lại củ khoai...

 

...Đồng hồ báo 1 giờ chiều, bà Hoa xin lỗi vì đến giờ bà quảy gánh ra đồng...

 

Theo Đăng Nam

Tuổi Trẻ