Quảng Bình:

Hàng loạt sai phạm ở Phòng Giáo dục huyện Minh Hoá

(Dân trí) - Lợi dụng chức quyền, nhiều cán bộ và giáo viên Phòng GD-ĐT huyện Minh Hoá đã cố tình làm sai lệch công tác chi trả lương, phụ cấp, điều chuyển cán bộ sai nguyên tắc để biển thủ hàng trăm triệu đồng. Sự việc bị phát giác và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận Quảng Bình.

Kế toán, chuyên viên “phù phép” phiếu thu

 

Quá trình xác minh những sai phạm tại Phòng Giáo dục Minh Hóa bước đầu đã phát hiện 11 tập thể và 34 cá nhân có những hành vi vi phạm, với những mức độ khác nhau, số tiền chi sai nguyên tắc gần 800 triệu đồng. Trong đó, sai phạm về phần chi thường xuyên là hơn 600 triệu đồng; sai phạm về phần chi trả phụ cấp thu hút hơn 100 triệu đồng.

 

Sai phạm nghiêm trọng nhất thuộc về Kế toán Phòng Giáo dục Trần Thị Bích. Với tư cách là “người giữ tay hòm chìa khóa”, bà Bích đã cố tình làm sai lệch hồ sơ hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phổ cập giáo dục năm 2005 để biển thủ tiền của nhà nước đầu tư. Qua kiểm tra, bà Bích đã chi, xuất quỹ không có chứng từ gần 6 triệu đồng và chi sai chế độ gần 20 triệu đồng.

 

Một sai phạm khác của bà Bích là cố ý dùng chứng từ đã quyết toán của năm 2004 để sử dụng chi cho năm 2005 để gian lận số tiền 17 triệu đồng chi cho trường Dân tộc nội trú huyện…

 

Liên quan đến những tiêu cực tại Phòng Giáo dục huyện Minh Hóa, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt tạm giam kế toán Trần Thị Bích và chuyên viên Cao Xuân Ngọc, đồng thời tiến hành khám nhà, khám nơi làm việc của các đối tượng này để phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ nội tình vụ án.

Không chỉ kế toán mà cán bộ chuyên trách phổ cập giáo dục tại huyện Minh Hóa cũng khai khống hồ sơ để bòn rút tiền của nhà nước. Cụ thể, tại phiếu chi số 01 ngày 15/7/2005, Phòng Giáo dục Minh Hóa chi cho 30 người là Trưởng ban chỉ đạo phổ cập các xã, cán bộ chuyên trách phổ cập, hiệu trưởng các trường đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 27 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Cao Xuân Ngọc - cán bộ chuyên trách của Phòng đã tự ý ký nhận thay cho 30 người nói trên rồi chiếm đoạt sử dụng cho cá nhân mình.

 

Bên cạnh đó, việc chi trả phụ cấp cho cán bộ quản lý và giáo viên không đúng thực tế với địa điểm và thời gian công tác. Từ đó dẫn đến chi trả chế độ phụ cấp thu hút không đúng đối tượng và thời gian hưởng. Qua tìm hiểu cho thấy, có 9 trường hợp hưởng sai chế độ, với số tiền là gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, các trường hợp đã lập danh sách thanh toán nhưng chưa chi tiền, chưa nhận tiền có 5 trường hợp, với số tiền xấp xỉ 77 triệu đồng.

 

Mượn danh người khác để thăng chức

 

Qua xác minh của cơ quan điều tra, việc man khai lý lịch, sử dụng bằng giả, bằng của người khác để được tuyển vào Ngành giáo dục ở Minh Hóa đã trở thành một vấn nạn từ nhiều năm nay. Xin được nêu lên các trường hợp điển hình sau:

 

Trong hồ sơ lý lịch của bà Đinh Thị Hồng, giáo viên Trường mầm non Liêm Hoá (nay chuyển về Trường mầm non Tân Lý) ghi hộ khẩu tại UBND xã Yên Hoá, đã tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, khi tiến hành xác minh “lý lịch”, cơ quan điều tra phát hiện bà Hồng có tên thật là Đinh Thị Nghệ, chưa hề tốt nghiệp THCS. Bà Hồng đã mượn bằng của người khác để “đánh lừa” BGH và học tại Trường Trung cấp nhà trẻ Mẫu giáo T.Ư 2. Sau đó bà sử dụng tấm bằng của trường này để “qua mặt” cơ quan chức năng, nghiễm nhiên trở thành viên chức của ngành giáo dục huyện Minh Hoá.

 

Trường hợp “dùng nhầm” tên của bà Ngô Thị Đoá - kế toán Trường mầm non số 2 thị trấn Quy Đạt còn hốt hoảng hơn. Được sự giúp đỡ của huyện Nam Đàn và Công an tỉnh Nghệ An, cán bộ Thanh tra huyện Minh Hóa phát hiện bà Đóa đã man khai tên và ngày, tháng, năm sinh của em gái mình là Ngô Thị Thỏa để xin cấp lại giấy chứng minh nhân dân. Sau đó, bà Đoá sử dụng giấy “thông hành” này nhằm “phục dựng” lại các giấy tờ tuỳ thân để được tuyển dụng vào viên chức Nhà nước.

 

Một trường hợp gian dối khác là bà Đinh Thị Thể Dung, giáo viên Trường Mầm non Dân Hoá đã cố tình giả mạo bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp ngành mẫu giáo để thi tuyển viên chức.

 

Những “quái chiêu” trên phải một thời gian dài sau đó mới bị phanh phui. Lý giải điều này, nhiều giáo viên công tác lâu năm trên địa bàn băn khoăn: Có hay không sự “tiếp tay” của lãnh đạo Phòng Giáo dục Minh Hóa?

 

Trên bảo dưới không nghe!

 

Từ năm 2002 - 2004, Phòng Giáo dục Minh Hóa đã không xây dựng Quy chế điều chuyển nhân viên, giáo viên do mình quản lý nên việc thực hiện không theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào. Công tác điều chuyển cán bộ phần lớn không có quyết định hoặc nếu có quyết định thì không có số quyết định. Thậm chí khi có Quyết định lại không có ngày tháng, không vào sổ công văn để theo dõi, nên đã tạo ra khó khăn trong quá trình quản lý và thực hiện một số chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên.

 

Đặc biệt, theo khẳng định của Phòng Nội vụ huyện Minh Hóa thì năm học 2005 - 2006 đơn vị này đã xác nhận danh sách điều chuyển cán bộ, nhưng Phòng Giáo dục huyện lại không thực hiện điều chuyển, số lượng này lên đến 35 người. Cạnh đó, Phòng Nội vụ đề nghị không điều chuyển 3 giáo viên vì có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng Phòng Giáo dục không thực hiện.

 

Cho đến nay, cơ quan điều tra liên ngành của huyện Minh Hóa vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ các tiêu cực của nhiều cán bộ tại Ngành Giáo dục huyện. Tuy nhiên, một vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm đó là không chỉ phanh phui các sai phạm của các cá nhân mà vấn đề là vì sao những sai phạm trên diễn ra trong một thời gian dài nhưng vẫn “qua mắt” được lãnh đạo Phòng?

 

Ngoài ra, cơ quan điều tra cần phải làm rõ thêm những dấu hiệu vi phạm của những cán bộ này trong các nội dung: Kinh phí phân bổ chương trình tin học về nhà trường; chương trình thay sách giáo khoa; việc quản lý và sử dụng sách thiết bị trường học. Đặc biệt, cơ quan điều tra cần phải làm rõ và kiểm tra kinh phí chi thường xuyên trong các năm 2002 và 2003.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa - Minh San