Hàng nghìn học sinh phải lưu ban vì “nhầm lớp”

Nhiều tỉnh có tỷ lệ học sinh yếu kém trên 50%, hàng nghìn học sinh "ngồi nhầm lớp" bị lưu ban, vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn tiếp diễn... là nội dung Hội nghị giao ban cụm thi đua các Sở GD-ĐT vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngày 16/10.

Phó thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao cho biết, theo tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra đầu năm học của 5 sở GD-ĐT đồng bằng Bắc Bộ, dù tỷ lệ học sinh yếu kém vẫn còn khá cao nhưng nhiều tỉnh đã kiên quyết với tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.

Ở Ninh Bình, tỷ lệ học sinh dưới trung bình bậc tiểu học gần 18%, THCS gần 52%, THPT 55%, bổ túc THPT 63%. Trong quá trình kiểm tra đầu năm, Hải Dương phát hiện hơn 8.000 học sinh tiểu học yếu môn tiếng Việt, hơn 10.000 em yếu môn Toán; bậc THCS có gần 10.000 học sinh yếu và hơn 1.000 em ở lại lớp....

Để dần xóa bỏ hẳn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, Bắc Ninh đã cho hơn 700 học sinh tiểu học ở lại lớp. Hiện tỉnh này có gần 7% học sinh THCS và 5% học sinh THPT xếp loại học lực yếu. Qua kiểm tra đầu năm, Vĩnh Phúc cũng đã buộc hơn 400 học sinh lớp 6 về học lại lớp 5.

Tuy nhiên, theo ông Giao, 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cần rà soát xem việc triển khai cuộc vận động "Hai không" đã đến được với tất cả học sinh và giáo viên chưa. "Vừa qua, một cô giáo Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) đánh học sinh khiến em này phải nghỉ học. Cô giáo này đã phải nghỉ dạy và coi thư viện 3 tháng", ông lấy dẫn chứng về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo ngay tại thủ đô.

50% học sinh vùng xả lũ bị mất sách vở

Sau khi nhận định việc thực hiện cuộc vận động "Hai không" ở một vài địa phương đang trùng lại, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Hoàng Tất Thắng cho biết, sẽ làm mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động với 4 nội dung mới, trong đó chú trọng đến vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh ngồi nhầm lớp.

Ông Thắng cho rằng, chỉ tiêu 100% số trẻ mầm non đến lớp là quá cao bởi hiện nay, tỷ lệ này chỉ khoảng 80% và Nam Định cũng chỉ có thể huy động được hơn 90%. "Tiêu chí 100% giáo viên đạt chuẩn là không thực tế. Một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục tương đối cao nhưng Nam Định cũng chỉ đạt 98%. Dù sao cũng vẫn phải có một tỉ lệ nhất định số giáo viên chưa đạt chuẩn" ông Thắng nói.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình Ngô Thành Hưng, sau một năm thực hiện, hai không đã nhận được sự đồng tình của dư luận, địa phương đã ủng hộ và vào cuộc. Năm nay, tỉnh sẽ làm mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, ông Giám đốc Sở cũng không quên nêu ra những khó khăn ngành giáo dục của tỉnh phải đối mặt sau trận lũ vừa qua. Theo đó, đã có 70 trường với 35.000 học sinh ở 20 xã nằm trong vùng xả lũ phải nghỉ học. Hiện, ở một số trường, khoảng 2 tuần nữa học sinh mới có thể trở lại lớp được.

"Toàn tỉnh thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng thì chỉ riêng ngành giáo dục đã thiệt hại 2 tỷ đổng. Phần lớn trang thiết bị học tập đã được sơ tán nhưng khoảng 50% học sinh vùng lũ lụt bị mất sách vở, đồ dùng học tập. Cái khó của Ninh Bình là lên kế hoạch học bù cho các em", ông Giám đốc Sở Giáo dục lo lắng.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 vừa qua tại Ninh Bình, có những trường 120 học sinh thi lại thì có đến đến 90 em bị trượt. Do làm nghiêm túc nên tỉnh đã phát hiện 15 thí sinh thi hộ. Sau kỳ thi, nhờ tiến hành đối chiếu chữ viết, tỉnh phát hiện thêm 70 học sinh nhờ người thi thuê, thi hộ.

"Bộ chưa có văn bản quy định việc xử lý thi thay, thi hộ nên nếu thí sinh đã tốt nghiệp lần đầu hoặc đang là sinh viên nhưng lại tham gia thi hộ thì bị xử lý thế nào? Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ về vấn đề này nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời", ông Hưng đặt vấn đề.

Theo Tiến Dũng

VnExpress