Hàng trăm trường ĐH, CĐ thiếu và yếu về cơ sở vật chất

(Dân trí) - Trong 196 trường ĐH, CĐ công lập, chỉ có 157.429 chỗ ở cho SV trong tổng số 855.337 SV. Bên cạnh đó, 84,2% trường có trạm y tế có cơ sở vật chất và cán bộ y tế rất nghèo nàn. Thậm chí nhiều trường không có nổi thư viện cho SV học tập.

Đó là số liệu khảo sát của Cục cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT được công bố tại hội nghị “Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của các trường ĐH, CĐ công lập” diễn ra ngày 25/10 tại Hà Nội.
 
Hàng trăm trường ĐH, CĐ thiếu và yếu về cơ sở vật chất - 1
Do nhiều trường đại học thiếu đất, sinh viên phải "chen chúc" học trên giảng đường.

Vừa thiếu, vừa yếu

Đây có lẽ là lần đầu tiên, Cục cơ sở vật chất Bộ GD-ĐT công bố kết quả khảo sát thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo về các trường ĐH, CĐ.

Theo báo cáo của Cục, hiện nay diện tích bình quân cho một sinh viên đại học là từ 55 đến 85 m2 đất nhưng ở ĐH Luật Hà Nội, con số này là 0,67 m2, ĐH Xây dựng là 0,84 m2, ĐH Kinh tế TPHCM là 0,54 m2… Bình quân diện tích sử dụng khu học tập trên mỗi sinh viên chỉ đạt 3,6 m2, quá thấp so với tiêu chuẩn thiết kế là 6 m2.

Tính đến thời điểm khảo sát, theo báo cáo của 196 trường ĐH và CĐ công lập, chỉ có 157.429 chỗ ở cho sinh viên trong tổng số 855.337 sinh viên.

84,2% trường có trạm y tế với cơ sở vật chất nghèo nàn chưa kể đến năng lực yếu kém của nhiều cán bộ y tế.

Đối với phòng thí nghiệm và thực hành của 196 trường ĐH, CĐ mà Cục khảo sát trong 5572 phòng thí nghiệm, phòng thực hành; 442 xưởng thực hành, thực nghiệm thì có tới 0,8% số phòng thí nghiệm đang chờ thanh lý. Hầu hết các trường chưa xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm, chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được đánh giá là đạt về mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá là có chất lượng các thiết bị tốt. Theo lãnh đạo Cục cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của các trường hiện nay.

Trong khi các trường đại học trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của mình thì đây là tình trạng báo động đối với giáo dục đại học Việt Nam. Theo khảo sát, tính trung bình về quy mô thư viện của các đại học, cao đẳng thì chỉ 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi. Trong số 196 đại học, cao đẳng có báo cáo về Bộ thì có 24 trường không có thư viện truyền thống. 119 trường không có thư viện điện tử.

Không chỉ thiếu về cơ sở, thư viện của các trường ĐH, CĐ còn yếu cả về chất lượng. Trong tổng số 172 thư viện được khảo sát thì chỉ có 38,9% thư viện có áp dụng các tiêu chuẩn về thư viện hiện có ở Việt Nam hoặc trên thế giới, chỉ 34,3% sử dụng các phần mềm trong quản lý.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của nhiều trường đại học ở Hà Nội và TPHCM cho biết, quy mô thư viện các trường cũng khó có thể mở rộng khi diện tích trường rất chật hẹp.

Mạnh tay với nhiều giải pháp!

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tính chung từ nay đến năm 2015, để đáp ứng yêu cầu thành lập cơ sở mới, mở rộng khuôn viên các trường ĐH, CĐ công lập hiện có để đảm bảo mức bình quân 55 m2 trên một sinh viên thì quỹ đất cần bổ sung là 12.000 ha và cần khoảng 827.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định rằng: Đây là con số vô cùng lớn, cho dù ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục đào tạo có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài năm sắp tới nhưng chắc chắn sẽ không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu như đã dự báo.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra chỉ đạo là tìm đột phá ở khâu quản lý. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống trường ĐH, CĐ vùng thủ đô Hà Nội và TPHCM, hướng tới các khu ĐH tập trung của 2 khu vực này. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang phối hợp thực hiện quy hoạch đất cho giáo dục đại học. Đồng thời, sẽ có danh mục đầu tư đột phá các trường ĐH trọng điểm.

Được biết,  trước đó vào chiều ngày 22/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với nhiều bộ, ngành bàn phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế sử dụng đất cho giáo dục đại học hiện nay.

Báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, các trường ĐH, CĐ nói chung cũng như số trường mới được thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, không có kế hoạch di dời ra ngoại thành, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Tâm lý của các trường đều không muốn di dời cơ sở cũ. Hà Nội hiện có tới 96 trường đại học, trong đó có nhiều trường ở trung tâm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…. Mặc dù đã có quy hoạch chi tiết cho khu ĐH Quốc gia Hà Nội rộng 1.130 ha tại Hòa Lạc từ nhiều năm nay nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chưa di chuyển được trường nào đến vị trí quy hoạch. Bên cạnh đó, có tình trạng trường đại học công lập được giao quỹ đất rất lớn trongquá trình sử dụng đã buông lỏng quản lý, sử dụng đất sai mục đích, gây lãng phí lớn nhưng chưa được xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Tại buổi họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã giao Bộ GD-ĐT ban hành các chuẩn về cơ sở vật chất và quy mô sinh viên. Tháng 1/2011 sẽ công bố chính thức các chuẩn nêu trên để các trường được biết.

Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thành lập tổ công tác chuyên trách, đề xuất và xử lý những chính sách liên quan để có các khu đất sạch dành cho giáo dục đại học.

Hồng Hạnh