Hàng triệu học sinh không dám đi... vệ sinh

“Con tôi hầu như không dám đi tiểu tiện ở trường và thường nhịn đến khi về nhà vì cháu nói ở trường rất bẩn!” Đó là tâm sự của không ít bậc phụ huynh. Thực tế ở nhiều trường học, nhà vệ sinh không chỉ có bẩn mà còn không có chỗ để các em đi đại tiện.

200 em dùng chung 1 hố 

 

Theo điều tra mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về hiện trạng các công trình vệ sinh tại 966 điểm trường tại vùng nông thôn Việt Nam, chỉ có 72,7% điểm trường có nhà tiêu và chỉ có khoảng 54% nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh. Tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu đạt tỷ lệ thấp nhất là khối mầm non: 52,4%.

 

Các nhà nghiên cứu đã phải đặt câu hỏi: với trên 1/4 số điểm trường không có nhà tiêu thì học sinh sẽ đi đại tiện ở đâu khi có nhu cầu? Đặc biệt ở bậc mầm non có đặc thù nhiều lớp có học sinh học bán trú, ăn trưa tại trường và nhu cầu đi đại tiện nhiều hơn mà chỉ có khoảng một nửa số điểm trường có nhà tiêu.

 

Đáng lưu ý là tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu bị quá tải cũng chiếm con số đáng kể. Theo quy định về giáo dục thể chất và y tế trường học bình quân “từ 100 - 200 học sinh trong 1 ca học có một hố tiêu” nhưng thực tế có 12,9% số trường được điều tra có bình quân trên 200 học sinh trên 1 hố. Đã thế, chất lượng xây dựng nhà tiêu tại các trường học rất kém và hầu hết công trình đều không có chỗ rửa tay cho học sinh.

 

Cũng theo kết quả điều tra, việc thực hành quét dọn nhà tiêu được tiến hành thường xuyên chỉ chiếm khoảng hơn 50% số trường được điều tra. Có một tỷ lệ không nhỏ (13,3%) các điểm trường hàng tuần mới quét dọn 1 lần, thậm chí hằng tháng (2,5%).

 

Các nghiên cứu viên đã đưa ra nhận xét: tình trạng này dẫn đến sự ô nhiễm nặng nề cho môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, giun sán rất phổ biến ở lứa tuổi học đường.

 

Do không có tiền?

 

Theo kết quả điều tra, khi được hỏi về lý do không có nhà tiêu phần lớn  các trường học cho biết là do không có tiền, chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng không có địa điểm trong đó tập trung chủ yếu là khối mầm non. Điều đó cho thấy hiện nay công tác đầu tư và xây dựng các công trình vệ sinh trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. 

 

Được biết, cho đến nay, vẫn chưa có một cơ quan liên quan nào như Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra và phổ biến thiết kế chuẩn chính thức cho công trình vệ sinh ở trường học cấp nhỏ, mà mới chỉ có Bộ GD-ĐT phổ biến quy chế quy định tỷ lệ học sinh/1 hố tiêu và hố tiểu và vẫn không có quy định về khu vực rửa tay.

 

Việc phân công trách nhiệm quét dọn và giám sát công việc bảo quản nhà vệ sinh không được các trường chú trọng: chỉ có 25% số trường được điều tra có người quét dọn.

 

Trước thực tế này, Cục Y tế dự phòng đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan liên quan và các chương trình mục tiêu quốc gia để thu hút đầu tư từ các nguồn khác nhau cho xây dựng công trình vệ sinh tại trường học, đảm bảo đến năm 2010 tất cả các trường đều có nước sạch và các nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần đưa thiết kế chuẩn công trình nước và vệ sinh vào thiết kế kiên cố hóa trường học hoặc trong mọi thiết kế trường học; cần đưa tiêu chuẩn công trình nước, công trình vệ sinh (nhà tiêu, nhà tiểu, khu rửa tay) hợp vệ sinh vào tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

 

Nín tiểu sẽ thành bệnh

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, Bệnh viện Bình Dân TPHCM: Về góc độ tâm lý, việc nhịn tiểu làm cho bàng quang căng, trạng thái tinh thần không thoải mái, khó tập trung vào việc học tập.

 

Về phương diện y học, vì trong nước tiểu luôn luôn có vi trùng, khi không bài tiết, nước tiểu tồn trong bàng quang quá mức độ niêm mạc cho phép dễ bị nhiễm trùng tiểu (viêm bàng quang) có thể ảnh hưởng đến thận. Ngoài ra có thể gây tình trạng ứ đọng tiểu, cặn lắng thành sỏi.

 

Đặc biệt, nín nhịn tiểu lâu, bàng quang căng, học sinh hiếu động, nếu va chạm mạnh gây vỡ bàng quang. Vì vậy, không thể kéo dài tình trạng nín nhịn tiểu, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, quá trình ảnh hưởng kéo dài dễ dẫn đến bệnh lý sau này.

 

Theo Vũ Thơ
Thanh Niên