Hát Quốc ca để giáo dục tinh thần yêu nước

“Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân” - ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định và cho biết đây là hoạt động thường xuyên của các trường học trên toàn thành phố.

Chào cờ và hát Quốc ca giúp giáo dục lòng tự hào dân tộc
Chào cờ và hát Quốc ca giúp giáo dục lòng tự hào dân tộc.

Hiểu rõ chủ quyền để bảo vệ đất nước

Mặc dù đang là thời điểm cuối năm học nhưng ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, hơn 1 triệu học sinh, giáo viên Thủ đô vẫn tích cực triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chủ quyền biển đảo… “Ngành giáo dục Thủ đô đã tổ chức nhiều chuyên đề về biển đảo cho các cán bộ cốt cán để từ đó có kế hoạch phổ biến cho cán bộ, giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục. Chúng tôi cho rằng, trước tiên các em cần được trang bị kiến thức về chủ quyền lãnh thổ đất nước, cập nhật thông tin về tình hình biển đảo… từ đó các em sẽ có định hướng đúng đắn và ý thức cao về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước” – ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết. Hà Nội đã liên tục đưa ra các hoạt động sinh hoạt với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương”, “Góp đá cho Trường Sa”… Theo đó, các hoạt động này sẽ được nối dài trong đợt sinh hoạt hè của học sinh tại các địa phương bằng nhiều hình thức, thực hiện dưới sự phối hợp của ngành giáo dục với Đoàn Thanh niên các xã, phường.

Tại trường THPT Phan Huy Chú, các buổi chào cờ được thực hiện vào sáng thứ hai hàng tuần bên cạnh việc giáo dục về ý thức công dân, tự hào dân tộc. “Hát Quốc ca là yêu cầu bắt buộc của nhà trường với toàn bộ giáo viên, học sinh trong các buổi chào cờ, các dịp kỷ niệm, ngày lễ… Các em học sinh đã thành nếp với hoạt động này. Đặc biệt, ngày 22-12 – ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm hết sức trang trọng, mời các nhân chứng lịch sử để giao lưu với học sinh. Các em đều rất hào hứng với những câu chuyện lịch sử được lồng ghép với các hoạt động sân khấu. Từ đó, tôi muốn các em ý thức rõ hơn về những hy sinh, cống hiến của chiến sĩ, đồng bào thế hệ trước đây để đất nước có hòa bình hôm nay” - bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tổ chức chào cờ trang trọng, uy nghiêm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa chính thức yêu cầu  các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện nghiêm túc việc hát Quốc ca tại lễ chào Cờ Tổ quốc trong trường học, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên. Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường tạo điều kiện cho trẻ Mầm non được nghe Quốc ca thường xuyên. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông cũng được yêu cầu thường xuyên giáo dục học sinh thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; ở tất cả các phòng học đều có 5 Điều Bác Hồ dạy ở vị trí trang trọng để nhắc nhở học sinh hiểu, ghi nhớ và làm theo. 

Trước yêu cầu này, ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng: “Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên, chúng tôi khuyến khích dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca. Đối với các trường phổ thông, Trung tâm TGDTX, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác trong lễ Chào cờ đầu tuần và các buổi Lễ kỷ niệm, tất cả giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca”. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu nhà trường  phối hợp với tổ chức liên quan tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. 

Tăng cường giáo dục pháp luật, truyền thống lịch sử

Các trường học Hà Nội đang được kiểm tra về việc thực hiện năm trật tự văn minh đô thị nhằm giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh thấy rõ tầm quan trọng trong công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Trong đó, công tác giáo dục pháp luật, truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, sống trung thực, lành mạnh cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường được đặc biệt chú trọng. Các hoạt động này được tổ chức dưới hình thức truyền thông, tọa đàm, giao lưu, hội thảo, chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt đầu tuần, bài thi tìm hiểu… kéo dài sang năm học mới.

Theo Duy Anh
ANTĐ