Hậu 20/11: Những nỗi buồn không tên

(Dân trí) - Một cuộc “mặc cả” ở cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Nhật Duật (TP Nam Định) khiến người nghe tình cờ chứng kiến không khỏi chạnh lòng. Người bán là một cô giáo trường tiểu học T và “mặt hàng” đem bán đều là quà tặng 20/11 của học trò.

Trước khi đem đi bán (ngày 21/11), cô giáo cho tất cả vào một chiếc túi đen để không ai nhìn thấy và cô phải  nhìn trước nhìn sau nhiều lần trước khi vào cửa hàng. Chủ cửa hàng cũng là một người quen của cô. 

Sau khi cô giáo đi rồi, chủ cửa hàng kể với chúng tôi rằng: “Tội nghiệp cô giáo lắm. Nhà chỉ có hai mẹ con và thêm một bà nội già ốm yếu. Con gái cô lại đang học ở một trường ĐH dân lập, tốn kém lắm”.

 

Cũng theo câu chuyện của bà chủ cửa hàng thì đây là một cô giáo dạy giỏi có tiếng, lại rất tận tuỵ nên phụ huynh quý lắm. Mỗi ngày lễ tết như 20/11 nhà lúc nào cũng bộn quà. Nhưng cô giáo chẳng mấy khi dám giữ lại cho mình cái gì mà toàn phải đem đi bán để dành tiền chi tiêu thêm.

 

“Lên lớp 4, 5 tiếng một ngày, về nhà lại phụ đạo thêm cho những em học yếu, kém không thu tiền. Nhìn cô giáo gầy guộc thế, phụ huynh mới nhân dịp 20/11 tặng cho mấy hộp sữa đắt tiền để bồi dưỡng nhưng cô có dám dùng đâu. Rõ khổ! Sao họ không “đi” phong bì cho cô giáo đỡ phải lén lút mang đi bán như vậy? Nhưng “đi” phong bì thì có lẽ cô cũng sẽ trả lại thôi vì sợ “mang tiếng”. Tôi quen cô giáo hàng chục năm nay tôi biết tính cô ấy mà” - chủ cửa hàng nói thêm.

 

Cùng với đời sống ngày càng sung túc hơn thì các món quà nhân dịp 20/11 càng “nặng” hơn và trong tất cả những món quà đó luôn là những tình cảm rất trân trọng và yêu quý của những người học trò. Chỉ có điều, nhiều khi những món quà đó luôn làm người nhận phải xuýt xoa vì... tiếc rẻ.

 

Thầy D, giảng viên trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, trong ngày 20/11 nhận được đến 2, 3 cái áo sơ mi, cái nào cũng có giá hơn 200 nghìn, có cái lên tới gần 400 nghìn. Thầy tâm sự: “Mình ăn mặc giản dị quen rồi, giờ mặc những cái áo đắt tiền thế thì tiếc lắm nên chắc là cũng ra đem đổi lấy cái rẻ tiền hơn để mặc cho đỡ lãng phí. Thừa tiền thì để sắm thêm cho vợ, con một vài cái quần áo nữa vậy”. Và thầy bỗng chốc trở thành “lái buôn” bất đắc dĩ…

 

Tất nhiên, cả thầy D và cô giáo tiểu học nói trên là những nhà giáo mẫu mực. Họ không thể nhận phong bì, nhưng những món quà của học trò thì thật khó từ chối. Đời sống thanh bần, nhiều món quà bỗng trở nên xa xỉ với các thầy cô, vì thế, họ đành chấp nhận việc đi “cửa sau” cho những dầu gội, sữa tắm, quần áo đắt tiền... lúc hậu 20/11. Có lẽ, nỗi gian nan của chặng đường “cửa sau” này chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được.

 

Vào dịp 20/11 năm ngoái, khi trò chuyện với báo giới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân có tâm sự rằng: “Biếu thày cô một ít tiền dịp 20/11 không có gì phải ngại nếu như thật sự xuất phát từ tấm lòng. Thái độ trân trọng, biết ơn những người có công dạy dỗ, dìu dắt con em mình là một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Khi đã có tình cảm chân thành thì họ mong muốn có cách biểu lộ phù hợp, điều đó hoàn toàn chính đáng”. 

 

Khi đó, Bộ trưởng cũng có phân tích một cách rất thấu đáo về việc “biếu ít tiền” này. Theo ông thì để việc biếu tiền cũng trở nên trân trọng và thiêng liêng như biếu một món quà thì phụ huynh phải thể hiện để con em họ thấy được đó là sự trân trọng, chứ không phải là cách mà cha mẹ mình tạo điều kiện để mình được ưu đãi hơn những học sinh khác. 

 

Mặt khác, cả phụ huynh và thầy cô đều phải nhận thức được, nên thể hiện việc biếu tiền và nhận tiền ở mức độ nào. Nếu nhận mà không thấy vui, mà thấy chịu một áp lực phải làm gì đó có lợi cho con của người tặng thì còn tư cách nào mà dám đứng trên bục giảng nhìn thẳng vào học trò.

 

Sau tất cả những phân tích trên thì điều mà Bộ trưởng Nhân muốn hướng tới là đến một lúc nào đó, mỗi thầy cô giáo có thể tự nói rằng thu nhập của tôi đủ sống, không phải làm gì thêm ngoài nghề giáo, không phải dạy thêm vì tiền bạc, và cả chuyện không phải chờ quà cáp biếu xén của học sinh. 

 

Mai Minh