“Hậu” thông tư 30: Học sinh hụt hẫng khi vào lớp 6

(Dân trí) - “Khi chúng tôi tham khảo ý kiến của các giáo viên cấp 2 về việc, nếu lứa học sinh này lên cấp 2 thì sẽ ra sao? nhiều người cho biết, học sinh lười học hơn, không định lượng được cách thức làm một bài kiểm tra ra sao... Tóm lại, nhiều phụ huynh và học sinh “sốc toàn tập”, bà Lê Đoan Trang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) cho biết khi đánh giá việc triển khai thông tư 30/2014-BGDĐT sau hơn 1 năm thực hiện.

“Vênh” khi lên cấp 2

TT30 chính thức được áp dụng tại các trường tiểu học vào tháng 10/2014. Sau hơn 1 năm triển khai việc đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số ở cấp tiểu học, nhiều giáo viên và phụ huynh lo lắng bởi học sinh lười học hơn và đặc biệt, các em “sốc toàn tập” khi lên lớp 6 do cách thức của hai cấp học quá khác biệt.

Chị Lan Anh, phụ huynh học sinh ở Thái Bình cho biết, con chị hiện đang học lớp 6. Quả thực, ở cấp tiểu học, con chị học nhất nhì lớp nhưng lên cấp 2, cháu mất rất nhiều thời gian để làm quen với việc cùng lúc có đến gần chục môn chấm bằng điểm số.

Anh Văn Quân (Hà Nội) cho biết, con mình “vướng” một năm TT30. Khi anh hỏi con, học mà không có điểm thì thế nào? Con anh trả lời “không thích nhận xét chung chung đối với tất cả học sinh”. Bản thân cháu cũng không biết năng lực học tập năm cuối cấp tiểu học ra sao, chỉ biết "đạt cả 3 mặt".

“Con mình là học sinh giỏi đầu khối từ lớp 1-4, lớp 5 không thi; giải nhất violympic toán cấp quận, nhì cấp thành phố, lên lớp 5 cũng đạt thành tích như thế. Vậy mà cháu cũng không thấy mục tiêu phấn đấu khi học lớp 5 vì không có điểm đánh giá, cháu nói không có điểm 10 thật không hứng thú học chút nào. Tôi cũng bó tay với TT30 luôn”, anh Quân cho hay.

TT30 khiến giáo viên quá tải nhận xét học sinh
TT30 khiến giáo viên quá tải nhận xét học sinh

Một phụ huynh khác cũng nhận xét, theo TT30, học sinh không áp lực nhưng chính điều đó khiến các em lơ là học tập dẫn đến mất kiến thức gốc. Thứ 2, trong năm học sinh được đánh giá hoàn toàn bằng nhận xét nhưng cuối kì các em lại bị đánh giá bằng điểm số là chưa hợp lý. Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn khi lên lớp 6, các em phải chịu cường độ cao khi có đến 9 môn phải chấm điểm khiến nhiều em không theo nổi.

Không định lượng được cách làm bài kiểm tra

Được biết, khi lên cấp THCS, học sinh sẽ học 11 môn, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn thể dục, nhạc, họa đánh giá bằng nhận xét.

Ngay từ khi vào lớp 6, các em đã phải làm các bài kiểm tra bằng chấm điểm với hình thức hoàn toàn xa lạ mà ở tiểu học chưa từng biết đến như: kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 90 phút… Nhiều HS nhận điểm kém do chưa quen với cách làm bài kiểm tra như thế.

Bà Lê Đoan Trang - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm cho biết, giáo viên hoàn toàn ủng hộ nhưng thực tế đang phát sinh mâu thuẫn. Một bên là đội ngũ giáo viên cũ, họ cập nhật phương pháp này chậm hơn. Một bên là giáo viên trẻ, họ cập nhật các lời nhận xét trên mạng rất nhanh nhưng do không chấm điểm thường xuyên nên họ có tâm lý lười bám sát học sinh.

Đối với phụ huynh học sinh cũng có hai tầng: Một bên vẫn theo sát tiến trình học tập con cái, một bên thì bỏ mặc, ít quan tâm vì không có điểm số báo cáo hàng ngày. Học sinh cũng chia theo 2 hướng, với những học sinh tích cực thì Thông tư 30 phát huy tác dụng tốt nhưng với học sinh chưa tự giác thì có tình trạng tụt lùi. Đã xảy ra tình trạng phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên khi kết quả kiểm tra cuối năm của học sinh chỉ đạt 1 điểm mặc dù cả học kỳ, cô giáo vẫn gửi nhận xét tình hình học tập của con nhưng phụ huynh không chịu để ý.

“Khi chúng tôi tham khảo ý kiến của các giáo viên cấp 2 về việc, nếu lứa học sinh này lên cấp 2 thì sẽ ra sao? nhiều người cho biết, học sinh lười học hơn, nhiều em không định lượng được cách thức làm một bài kiểm tra ra sao... Tóm lại, nhiều phụ huynh và học sinh “sốc toàn tập”, bà Đoan Trang nói.

Chỉ nhận xét đơn thuần, học sinh sẽ bị hụt hẫng khi lên lớp 6
Chỉ nhận xét đơn thuần, học sinh sẽ bị hụt hẫng khi lên lớp 6

Liên thông để đỡ hụt hẫng

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam)- người đã cùng các cộng sự nghiên cứu khảo sát thực trạng thực hiện TT30 sau 1 năm thực hiện tại 5 tỉnh thành cho biết, khi đi khảo sát, hầu hết các cán bộ quản lý ở trường học cho rằng, nên tiếp tục thực hiện TT30 nhưng có điều chỉnh, nếu không học sinh tiểu học lười học và sẽ bị “chênh vênh” khi lên lớp 6.

Bà Đoan Trang cũng khẳng định, cần có lộ trình thực hiện cho cả phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Phải có tính liên thông trong giáo dục để các em làm quen khi lên lớp 6.

Về điều này, ông Trần Việt Hùng (Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam) cho rằng, do phương pháp của hai cấp tiểu học và THCS quá khác biệt nên việc áp dụng TT30 như hiện nay, học sinh sẽ hụt hẫng khi lên lớp 6.

Vì vậy, theo kiến nghị của ông Hùng, vẫn tiếp tục thực hiện TT30 nhưng cần điều chỉnh. Cụ thể, tính liên thông sẽ thể hiện ở việc, nên nhận xét bằng lời ở lớp 1, đến lớp 4, lớp 5, nên nhận xét bằng lời cùng với điểm số. Như vậy, khi lên cấp 2, học sinh không quá hụt hẫng.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng, cần thay đổi TT30 theo hướng vừa nhận xét vừa cho điểm. Trong đó, quy định rõ trong một kỳ, cần cho học sinh thêm một hoặc hai điểm số. Đặc biệt, học sinh nào không học được vẫn phải lưu ban, không phải bằng mọi cách để lên được lớp như hiện nay.

Mỹ Hà

(Email: myh@dantri.com.vn)