Hãy để các em ngồi đúng chỗ của mình!

(Dân trí) - Sự việc bắt đầu từ đầu năm học 2006-2007, khi trường THCS Thủy Thanh, huyện Hương Thủy (Huế) mở đợt khảo sát đầu cấp. Đề bài vô cùng đơn giản nhưng có đến gần 20 em đầu cấp 2 ngồi đánh vần từng chữ một, thậm chí có nhiều em không đọc nổi đề bài.

Thầy Lương Quang Trí, giáo viên trường THCS Thuỷ Thanh, kể lại: Đề thi chỉ là về một đoạn mở đầu trong tác phẩm “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh. Nhưng nhiều giáo viên trong trường đã hết sức bất ngờ và thậm chí không hiểu nổi khi bắt gặp đến 16 em học sinh phải đánh vần từng chữ khi đọc, nhiều em chỉ đánh vần được hàng đầu tiên trong  tác  phẩm văn học ấy.

 

Cũng qua đợt khảo sát này, trường cũng đã phát hiện có đến 30% học sinh khối lớp 6 nhưng trình độ thực sự cũng chỉ mới ngang lớp 3 hoặc lớp 4. Thực trạng này đã làm cho Ban giám hiệu và giáo viên của trường rất lúng túng trong việc bố trí dạy và học. Trả các em về lại cấp I thì không thể, nhưng nếu cứ tiếp tục để các em “bơi tự do” trong môi trường cấp II thì lại càng “tội” cho chính các em.

 

Anh Phạm Tứ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thủy Thanh, cũng là một người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của xã, cho biết: Có 2 nguyên do cơ bản dẫn đến tình trạng trên, ngoài căn bệnh thành tích của ngành giáo dục hiện nay, thứ nhất đó là do đa số người dân của xã đều làm nghề nông. Cuộc sống cực khổ quanh năm đã khiến cho nhiều người vẫn chưa coi trọng  việc học của con em, mặc dù đã cố gắng cho con em đến trường. Không có người chỉ bảo thêm, dẫn đến việc các em bài cũ  thì không hiểu đến nơi đến chốn, bài mới thì càng ngày càng nhiều khiến cho việc học trở nên vô cùng khó khăn.

 

Thứ hai là do điều kiện tự nhiên của xã vốn mang đặc điểm là một vùng trũng của huyện Hương Thủy, mỗi lần có mưa bão thường hay bị chia cắt với các địa phương khác, hay thậm chí trong xã thôi cũng có nhiều địa bàn bị chia cắt với nhau, dẫn đến việc tổ chức các lớp học ở cấp I rất khó khăn. Việc dạy và học theo kiểu phải cắt ghép nhiều nơi khiến chất lượng không đảm bảo.

 

Để khắc phục tình trạng này, trường THCS Thủy Thanh đã thực hiện một số giải  pháp trước mắt như tổ chức dạy phụ đạo cho các em 2 môn cơ bản là môn văn và môn toán; đồng thời sắp xếp các em học sinh yếu, kém ngồi xen kẽ với các em khá giỏi để các em có thể giúp nhau trong học tập; tổ chức các nhóm học ở nhà. Cô Trương Thị Nhạn là một giáo viên sẵn sàng phụ đạo giúp các em học sinh yếu ngay tại nhà mình.

 

Anh Tứ cho hay, hiện nay Đảng ủy xã và UBND đang tích cực bàn bạc, phối hợp với nhà trường và cha mẹ  học sinh để sớm tìm ra biện pháp hữu hiệu trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng trên. Điều quan trọng nhất trước mắt vẫn là cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn về trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đồng thời phải kiên quyết chống lại căn bệnh thành tích trong giáo dục vốn đã  ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người, để các em được ngồi đúng lớp học của mình.

 

Lê Tấn Quỳnh