Hãy đi qua “lỗ kim”

(Dân trí) - Hôm nay (4/7), hơn 500.000 thí sinh trong cả nước sẽ bước vào đợt thi đầu tiên của kỳ thi ĐH, CĐ, một kỳ thi mà theo đánh giá của Bộ GD-ĐT là sẽ cố gắng làm “thật nghiêm túc”.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là 225.780 người, tăng hơn 10% so với năm 2004, trong khi tổng số hồ sơ dự tuyển là 1.537.252. Nếu tính bình quân thì  tỉ lệ “chọi” sẽ là  7/1 có nghĩa cứ 7 sĩ tử dự thi thì chỉ có 1 sĩ tử lọt qua cửa ải để vào Đại học. 

 

Tuy nhiên, có nhiều trường đầu vào rất nhỏ, nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi lại rất đông, nên cửa vào lại càng hẹp hơn, mà nhiều người ví lối vào các trường này chỉ nhỏ như cái “lỗ kim”.

 

Đầu vào càng nhỏ thì sự lựa chọn càng khắt khe, điều này mới phản ánh đúng bản chất của thi Đại học là  để chắt lọc chất xám, đào tạo tài năng, chứ không phải là một cuộc chạy đua lấy bằng cấp.

 

Đã nhiều năm qua, sức ép bằng cấp, nhất là bằng Đại học, luôn đè nặng lên cả xã hội. Ai cũng phải cố để cho con mình có được tấm bằng Đại học, dù có khó khăn đến bao nhiêu. Do vậy mới dẫn đến tình trạng hàng vạn sinh viên thi đỗ Đại học nhưng khi ra trường lại không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề mà mình được đào tạo. Một sự lãng phí tiền của và công sức ghê gớm.

 

Số lượng sinh viên đại học nhiều không hề phản ánh được bản chất của nền giáo dục là cung ứng  sức lao động có chất xám cho xã hội. Quan trọng hơn là người ta phải tính đến có bao nhiêu sinh viên thực sự có khả năng để khi ra trường có thể đảm đương được các vị trí công việc mà một xã hội năng động đòi hỏi.

 

Có đến 65% số sinh viên ra trường tìm việc quá yếu về cả chuyên môn, ngoại ngữ và vi tính; 80% trong số họ không thể bắt kịp với yêu cầu công việc mà các Tập đoàn kinh tế tuyển dụng. Điều này phản ánh trong những năm qua, chúng ta đã để lối vào Đại học tương đối thênh thang. Đó là một bất cập.

 

Một xã hội học tập là xã hội mở ra nhất nhiều cơ hội để con người có thể tiếp cận với việc học và các loại hình học tập, nhưng không có nghĩa là phải vào Đại học. Cần phải hiểu, Đại học là “lò” đào tạo chất xám, do vậy khi nó nhỏ như “lỗ kim”, cộng với việc coi thi và chấm thi nghiêm túc thì chắc chắn xã hội sẽ chắt lọc được những chất xám thực sự cần thiết.

 

Chính vì vậy mà cái “lỗ kim” để vào Đại học lại cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Minh Quang