Hệ lụy tiêu cực từ việc công bố môn thi của Bộ Giáo dục

"Từ mai, học sinh sẽ chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp. Thày cô dạy những môn khác rất khổ tâm vì lớp vắng hẳn, những em ngồi lại lớp cũng toàn học môn thi tốt nghiệp", cô Nguyễn Kim Dung, giáo viên Văn lớp 12, THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết.

Ngay sau khi nghe thông tin về môn thi tốt nghiệp, phòng giáo viên của THPT Việt Đức xôn xao. Ngoại trừ ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ chắc chắn thi, giáo viên các môn khác đều phải chờ đợi quyết định của Bộ. Những khuôn mặt thoáng buồn của giáo viên dạy các môn không thi tốt nghiệp. Trong hai tháng cuối năm học, môn thi của họ sẽ bị "ghẻ lạnh".

 

Theo cô Dung, đến giữa tháng 5, học sinh lớp 12 mới hoàn tất chương trình học các môn. Trong hai tháng tới, các em sẽ vẫn tiếp tục học các môn. Nhưng thực tế, phần lớn học sinh đều dành nhiều thời gian ôn tập các môn tốt nghiệp, bỏ qua các môn khác. "Cả tuần nay học sinh thắc thỏm chờ các môn thi tốt nghiệp. Đến khi biết môn thi mới bắt đầu tập trung học, sinh ra tình trạng học cấp tốc, học chỉ để thi", cô Dung nói.

 

Đồng tình với quan điểm trên, thày Đỗ Đình Trụ, Hiệu trưởng THPT Trần Phú, Hà Nội, cho rằng, việc công bố môn thi vào thời điểm hiện nay là quá sớm, làm đảo lộn lịch học tập của các em. Ngành giáo dục lấy quan điểm học gì thi nấy thì nên để các em học bình thường. Hai tuần trước khi kết thúc chương trình học sẽ thông báo các môn thi. Nếu đề vừa phải, học sinh học nghiêm túc thì lo gì không đỗ tốt nghiệp.

 

"Năm nào cũng thế, những ngày cuối năm khối 12 rất lộn xộn, thày trò đều chờ giờ G - công bố môn thi tôt nghiệp. Những môn không thi, thày trò đều lơ là, nên kết quả thực chất rất kém. Nhiều thày cô dạy lớp 12 tâm sự với tôi, cuối năm, chỉ mong học sinh có mặt ở lớp, không mất trật tự ảnh hưởng đến các lớp 10, lớp11", thày Trụ nói.

 

Năm ngoái, từ tháng 4, một số trường đã bỏ lỏng các môn không thi và chỉ tập trung cho học sinh ôn những môn thi tốt nghiệp. Hiệu trưởng một trường THPT dân lập ở Hà Nội cho biết: "Vẫn biết giáo dục như vậy là không toàn diện, chạy theo thành tích nhưng chúng tôi không thể làm khác. Nếu tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 60-70%, phụ huynh sẽ đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục của nhà trường và năm sau sẽ không có ai cho con theo học".

 

Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng thừa nhận, có công bố môn thi là sẽ có tâm lý chờ đợi, đối phó, có tình trạng “nhẹ” môn không thi, “nặng” môn có thi, bất luận là công bố vào thời điểm nào. Tốt nhất là nên thực hiện "học gì thi nấy". Tuy nhiên, phải cải tiến cách thi cử, đánh giá tránh nặng nề, căng thẳng, quá tải đối với người dạy, người học.

 

Năm nay, học sinh THPT sẽ thi 6 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Lịch sử. Học sinh khối THCS sẽ thi 4 môn Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ và Sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào ngày 6-8/6. Kỳ thi tốt nghiệp THCS tổ chức vào ngày 25-26/5.

 

Theo VnExpress