"Hệ thống giáo dục đừng làm uổng công học tập của chúng em"

Vừa qua em có đọc nhiều bài báo viết về vấn đề dạy và học văn. Tại sao thầy cô lại có thể cam chịu cách dạy như thế bấy lâu? Học 2 tiết 3 bài thơ Đường, 2 tiết là xong truyện Chí Phèo, 1 tiết là xong 3 trích đoạn Truyện Kiều! Trời đất!

Học mà không cảm được văn, học mà không hiểu về văn, học mà không có thời gian sống với tác phẩm thì làm sao có hiệu quả đây? Học sinh có thể thuộc làu bài thơ, đoạn văn, thậm chí cả... dàn bài phân tích, nhưng đó là trong thời gian học. Khi thi xong, những thứ ấy không hề còn, chỉ để lại cho học sinh một khoảng trắng kiến thức.

 

Trong một lần trò chuyện với học sinh, có một quan chức giáo dục của Sở GD-ĐT TPHCM đã phát biểu rằng: “Học văn cốt là để biết tiếng mẹ đẻ mà thôi!”. Tại sao thầy lại có thể nói một điều đơn giản đến như vậy? Em nghĩ học văn còn là học làm người, là học cách sống, cách đối nhân xử thế. Học văn để trau dồi nhân cách, để nâng cao nhận thức và tính thẩm mỹ cá nhân. Học văn để hiểu về đời, về người, từ đó mà kiến tạo nên một xã hội tươi đẹp. Thật đáng buồn...

 

... Học một tác phẩm phải đặt mình vào tác phẩm, điều này cực kỳ khó, nhưng không phải không thể làm; quan trọng ta có chú tâm, và ta có dồn hết tâm hồn cho tác phẩm hay chưa. Ở đây lại nảy sinh một vấn đề, đó là cách dạy. Nếu chúng em được học môn văn một cách khoa học, hợp lý; có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thì khi đứng trước một tác phẩm văn chương nào đó, bọn em cũng sẽ có đủ tình cảm và chủ động để cảm nhận nó, dù nó có khác lạ với cuộc sống thực của chúng em.

 

... Với tất cả lòng chân thành, em mong rằng các thầy cô, các cơ quan, các cấp thẩm quyền, các ngành chức năng, mà trực tiếp ở đây là Bộ GD-ĐT, hãy đề ra những đường lối đúng đắn, hợp lý; có những chính sách kịp thời, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến trong việc dạy và học môn văn theo đúng con đường mà lẽ ra nó phải đi bấy lâu nay.

 

Em được biết Quốc hội đang họp bàn về Luật Giáo dục (sửa đổi). Em thiết tha mong Quốc hội hãy đưa ra những điều khoản linh hoạt hơn, có lợi hơn cho nền giáo dục Việt Nam nói chung và môn văn nói riêng; thiết lập một hệ thống giảng dạy và học tập có tầm cỡ quốc tế. Không làm được điều này, chúng ta sẽ làm cho tri thức Việt Nam mất giá trên trường quốc tế.

 

Em biết, cải cách giáo dục là một việc khó có thể làm trong một sớm một chiều, thế nhưng với tình hình nóng bỏng hiện nay, chúng ta chỉ có ngần ấy thời gian để thực hiện triệt để, đúng đắn và có hiệu quả... công việc đầy gian lao ấy!

 

Xin cám ơn các cô, chú đã lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của em.

 

Kính thư!

 

Bùi Nghiêm Đắc Vinh

(Lớp 11A1 Trường THPT Củ Chi, TPHCM)

Theo Nguoilaodong