Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

"Hiện tượng học sinh bỏ học sẽ ngày càng giảm"

(Dân trí) - "Việc kiểm tra, đánh giá chặt chẽ cũng khiến cho một bộ phận học sinh yếu kém bị điểm thấp, hoặc phải ở lại lớp nên chán nản, bỏ học nhưng đây không phải là nguyên nhân chính. Nếu cách dạy của giáo viên phù hợp, học sinh vẫn có thể theo kịp".

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi trao đổi với Dân trí về hiện tượng hơn 110 nghìn học sinh (HS) bỏ học trong năm 2007. Thứ trưởng Hiển cũng thừa nhận rằng năm học nào cũng có hiện tượng HS bỏ học, nhưng năm nay số HS bỏ học có chiều hướng gia tăng đột biến.

Thời điểm HS bỏ học tăng đột biến cũng trùng với thời điểm ngành quyết liệt thực hiện cuộc vận động "Hai không". Vậy theo ông, liệu có thể xem đó như "mặt trái" của cuộc vận động "Hai không" và Bộ có trách nhiệm gì trong việc này?

Theo tôi, trách nhiệm cụ thể của thực trạng này trước hết thuộc về mỗi nhà trường, mỗi địa phương vì chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường, chưa đi sâu, đi sát để tìm hiểu thực tế, hoàn cảnh cũng như tâm lý của HS. Bên cạnh đó, cách dạy học, cách đánh giá chưa phù hợp và thiếu sự linh hoạt… cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc HS chán học, nản chí và bỏ học.

HS bỏ học thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, không thể nói là chỉ vì thắt chặt đánh giá do thực hiện cuộc vận động "Hai không". Theo thông tin từ các địa phương, nhiều HS bỏ học do thiên tai, lũ lụt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, HS phải đi làm thêm phụ giúp cha mẹ, hoặc bỏ học để xây dựng gia đình...Cũng có một phần đông HS bỏ học vì học lực quá yếu, các em chán nản mà tự bỏ học.

Về phía mình, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo các địa phương phải làm tốt công tác kiểm tra chất lượng đầu năm để phân loại HS. Với đối tượng HS yếu kém, phải phân loại cụ thể HS yếu kém ở mức độ nào, yếu kém như thế nào, ở môn gì để phân công giáo viên dạy phù hợp.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện việc đảm bảo chất lượng từ các bậc học dưới. Nếu làm được điều này thì dần dần tỉ lệ HS hổng kiến thức quá lớn, HS "ngồi nhầm lớp", "ngồi nhầm cấp học" mới được giải quyết.

Và như thế cuộc vận động "Hai không" cũng sẽ không "chùn bước" trong thời gian tới?

Trước tình hình này phải bình tĩnh để có cách giải quyết. Chúng tôi chỉ đạo rằng phải nỗ lực bằng mọi cách để khắc phục khó khăn và huy động HS đi học đều đặn. Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh: Không phải vì mục tiêu huy động HS ra lớp, mục tiêu phổ cập giáo dục mà nhượng bộ HS, mà chấp nhận chất lượng học tập yếu kém.

Thời gian tới sẽ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện "Hai không" để "dạy thật, đánh giá thật". Nhưng bên cạnh đó phải có giải pháp song hành đa dạng để giúp đỡ HS yếu kém, khó khăn.

Các giải pháp song hành đang được ngành tính tới là gì, thưa ông?

Chúng tôi đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp cùng với chính quyền địa phương, rà soát lại hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình và học lực của mỗi HS để có giải pháp phù hợp.

Đối với những HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì phải có chính sách hỗ trợ và miễn giảm học phí. Tham mưu với chính quyền địa phương để bằng nhiều giải pháp thuyết phục, vận động HS trở lại trường. Ví dụ như phối hợp với các đoàn thể và các hội, huy động sự đóng góp từ công tác xã hội hoá giáo dục để giúp đỡ cho HS có hoàn cảnh khó khăn…

Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, tăng cường phụ đạo cho HS yếu kém trong hè và trong ngày nghỉ. Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên dạy phụ đạo đang được Bộ GD- ĐT xem xét để tìm nguồn.

Kiên quyết với việc thực hiện "Hai không", điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc HS bỏ học từ nay trở đi sẽ mỗi năm mỗi tăng và ngành đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó?

Tôi cho rằng càng những năm sau thì hiện tượng HS bỏ học sẽ càng giảm đi, bởi vì nếu HS bỏ học vì học yếu kém và không theo kịp nội dung chương trình thì vài năm tới, khi việc dạy- học thực chất, đánh giá thực chất đi vào quỹ đạo, chất lượng giáo dục tốt lên, HS không còn bị hổng kiến thức ngay từ bậc học dưới thì chắc chắn HS sẽ không chán nản vì học yếu kém mà bỏ học nữa.

Nhưng, nếu mọi việc vẫn không như dự đoán của ông?

Chúng tôi cho rằng, thái độ của những người làm công tác giáo dục trước hiện tượng HS ngồi nhầm lớp là phải kiên quyết nhưng cách giải quyết thì phải linh hoạt, chứ không thể cứng nhắc được.

Đưa ra mục tiêu "Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục, nói không với ngồi nhầm lớp", không phải Bộ GD- ĐT yêu cầu phải thực hiện được dứt điểm việc học thật thi thật ngay trong một vài năm đầu tiên mà đã phải chuẩn bị cả một lộ trình để từng bước giải quyết số HS quá yếu kém.

Quan điểm của Bộ là không nới lỏng hơn trong đánh giá nhưng với thực tế như hiện nay thì vẫn phải chấp nhận một bộ phận HS không đạt chuẩn kiến thức mà vẫn ngồi học ở khối lớp đó. Tất nhiên, nếu cho HS đó xuống ngồi ở lớp dưới là giải pháp hiệu quả hơn và đơn giản hơn nhiều. Nhưng không phải phụ huynh và HS nào cũng đồng tình với cách làm này, ở rất nhiều nơi khi cho HS lưu ban cũng đồng nghĩa với việc HS đó bỏ học.

Vì thế, sẽ khắc phục dần dần bằng cách tích cực dạy phụ đạo để củng cố dần những kiến thức mà HS đó bị hổng. Đến năm 2010 không còn hiện tượng HS "ngồi nhầm lớp" nữa.

Xin cảm ơn ông.

Mai Minh (thực hiện)