“Hiệp sĩ mạng” yêu nghề

Về Quảng Ninh, đến huyện Đông Triều, nếu hỏi bất kỳ ai trong ngành Giáo dục về thầy Lưu Xuân Giới thì chắc chắn đều nhận được câu trả lời: Ông đã trở thành "nhà giáo nhân dân" từ lâu rồi.

NGND Lưu Xuân Giới: Giáo dục phải gợi mở, thầy phải hướng học trò phát triển tư duy sáng tạo
NGND Lưu Xuân Giới: Giáo dục phải gợi mở, thầy phải hướng học trò phát triển tư duy sáng tạo.

Tuổi trẻ khát khao cống hiến

Vóc người bé nhỏ, không đủ cân nặng và cũng không đủ tuổi để gia nhập quân đội là điều khắc khoải trong lòng chàng trai Lưu Xuân Giới.

Thế nên, năm 1974 vừa bước vào tuổi 19, tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm, anh đã xung phong lên xã vùng cao Minh Cầm thuộc huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) dạy học cho con em đồng bào dân tộc.

Thầy Giới nhớ lại: Ba Chẽ khi đó là rừng rú, từ Đông Triều để đi đến thị trấn Ba Chẽ gần 200 km nhưng phải mất 3 ngày, phải mất thêm 2 ngày băng rừng vượt núi nữa mới đến bản.

Bản nơi tôi về dạy ngày ấy cũng làm gì có điểm trường. Học sinh muốn học tiểu học phải đi bộ gần 6 km đường núi, qua vài quả đồi mới đến trường chính, nó chỉ là dãy nhà lá đơn sơ.

Hành trang của thầy giáo trẻ là chiếc ba lô con cóc, bên trong là những cuốn sách góp nhặt từ những ngày đi học. Bắt tay vào mở trường mới, thầy Giới lặn lội qua từng con suối, từng ngọn núi, đến từng nhà dân vận động các gia đình đồng bào dân tộc Tày cho con em đi học.

Năm đầu tiên đến dạy ở điểm trường tiểu học của xã Minh Cầm, thầy Giới đã đưa được gần 100 học sinh ra lớp, con số ấn tượng của một huyện miền núi. Thầy đã phát động phong trào học tập khắp bản làng, học trò của trường từ 6- 30, 40 tuổi.

Học trò đông, nhiều lứa tuổi nên thầy Giới lại sáng kiến mở lớp ghép. Để dạy tiếng Việt cho người Tày từ hình ảnh minh họa  thầy phải tự vẽ để giúp người học dễ hiểu.

Chỉ sau 2 năm, điểm trường mới tại xã Minh Cầm đã trở thành điểm sáng giáo dục của huyện Ba Chẽ. Thầy Giới “dạy sô” kỷ lục, thầy dạy từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, hết dạy các lớp chính thầy lại dạy bổ túc. Đêm về, ngọn đèn dầu lại leo lét trong căn nhà lá nhỏ, những trang giáo án lại mở với những ý tưởng mới.

Trở thành Hiệp sĩ

Những sáng kiến, kinh nghiệm của nhà giáo Lưu Xuân Giới được các cấp quản lý nhìn nhận, thầy được điều động về trường dân tộc nội trú của huyện cách đó gần 70 km trong sự tiếc nuối của người dân.

Sau đó, thầy Giới học lên cao đẳng và đến năm 1985 thì về dạy THCS ở quê nhà là huyện Đông Triều. Đến năm 2003, thầy được cử làm Phó phòng GD&ĐT của huyện, và từ năm 2007 lên làm Trưởng phòng cho đến nay.

Với cương vị Trưởng phòng, thầy luôn tâm niệm: Phải đổi mới thì giáo dục mới đi lên, mới hiệu quả.

Năm 1988 -1990 cả nước đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục dân số, thầy nghĩ phải đưa vào giáo dục nội dung này và thành công với chuyên đề giáo dục dân số trong nhà trường phổ thông.

Năm 2008, thầy khởi động đề tài Nâng chất lượng giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Năm 2011, đề tài được phát triển lên cấp tỉnh. Đây cũng là đề tài thầy tâm đắc nhất, và đến năm 2013, Đề án Phòng GD&ĐT điện tử của thầy đã được áp dụng trên toàn tỉnh. 

Danh xưng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin cũng đến với thầy trong Hội nghị Tin học trẻ do Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức năm 2014 như một niềm động viên lớn.

Trong ngành Giáo dục Quảng Ninh nhắc tới thầy Giới Đông Triều hẳn nhiều người biết. Nhiều Trưởng phòng, Hiệu trưởng các trường không chỉ trong tỉnh mà ở cả tỉnh khác đã đến học tập kinh nghiệm của Đông Triều. 

Nhà giáo Lưu Xuân Giới không chỉ nổi danh là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin mà còn trở thành Hiệp sĩ giáo dục với tinh thần nghĩa hiệp luôn sẵn sàng chia sẻ trợ giúp đồng nghiệp.

Trưởng thành từ cơ sở, có lẽ hơn ai hết ông hiểu áp lực thời gian là gánh nặng trên vai giáo viên nên để tạo điều kiện cho giáo viên của mình, Trưởng phòng Lưu Xuân Giới đã hạn chế tối đa những phiền toái về sổ sách, giấy tờ không cần thiết. Chính nhờ những “cởi trói” này mà giáo viên có thêm thời gian cho học sinh.

Có lẽ đây cũng là một trong những tác nhân quan trọng để giáo dục Đông Triều luôn là điểm sáng, là mũi nhọn của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Với cương vị Trưởng phòng, tôi luôn yêu cầu các nhà trường phải tạo điều kiện, khuyến khích sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên đứng lớp. Quan điểm của tôi giáo dục phải mở, giáo viên phải tự chủ, phải biết mềm hóa nội dung từng bài giảng, tiết dạy để lồng ghép hoặc bổ trợ kiến thức, kỹ năng khác cần thiết cho học sinh. Đây chính là lý do vì sao tôi lại trao quyền chủ động nhiều hơn cho thầy cô trên lớp.  

 

Theo Hạ An

Giáo dục & Thời đại