Hiệu trưởng ĐH FPT: "Tôi đã từng nhận những hoảng sợ của sinh viên…về yêu"

(Dân trí) - “Tôi đã từng nhận những than phiền và cảm giác hoảng sợ của sinh viên vì thầy giáo chủ định tán tỉnh sinh viên…” – Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học FPT chia sẻ về câu chuyện cấm giảng viên yêu sinh viên.

Đều là những tình cảm không phù hợp!

Anh nghĩ sao về quy định cấm giảng viên yêu sinh viên của một trường cao đẳng đang gây xôn xao dư luận?

Xưa nay, các câu chuyện tình cảm giữa thầy trò mà cụ thể là thầy giáo và nữ sinh thường xuyên xảy ra. Nhiều người cho rằng đó là tình cảm cao đẹp và quả thật nhiều cặp vợ chồng đã hạnh phúc từ đây.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều hơn những điều bất hạnh khi xảy ra việc này. Tình cảm có thể là nhất thời nhưng khi vướng vào chuyện tình cảm thì việc giảng dạy không còn được tự nhiên, trở nên thiếu chuyên nghiệp và có tính phân biệt đối xử. Đối với nữ sinh tuổi mới lớn, hình bóng người thầy đôi khi rất đẹp và nữ sinh dễ dàng thần tượng hóa và nảy sinh tình cảm.

Vì vậy, tôi cho rằng với cán bộ giảng viên có quan hệ lãng mạn với sinh viên, học sinh trong môi trường giáo dục là không phù hợp. 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng tr

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng trường ĐH FPT: "Nếu tình yêu của họ đủ lớn thì một trong hai phải chấp nhận hy sinh"

Ngày trước, đã có nhiều mối tình thầy – trò ít bị dị nghị bởi sự trong sáng. Hiện nay, mối quan hệ tình thầy – trò đã bị méo mó bởi tác động của môi trườngxã hội vì ai cũng nghĩ rằng không có sự trong sáng trong mối quan hệ này, mà đó chỉ là mối quan hệ lợi dụng, mua – bán, trong trường hợp này người thầy chiếm ưu thế?

Đôi khi ranh giới giữa sự trong sáng và sự lạm dụng là rất mong manh và các học sinh – sinh viên là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ. Về bản chất thì người thầy có quyền lực nhất định và cần có quy định để thầy cô không lạm dụng quyền lực.

Mở rộng ra chuyện tình cảm lãng mạn không những chỉ xảy ra giữa thầy – trò mà còn xảy ra giữa sếp – nhân viên. Đây đều là những tình cảm không phù hợp trong môi trường giáo dục hay công việc gây ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của tổ chức.

Nếu tình yêu của họ đủ lớn thì một trong hai phải chấp nhận hy sinh để hoặc chuyển trường hoặc chuyển nơi công tác. Khi đó ràng buộc trực tiếp thầy – trò mất đi thì họ trở thành hai cá nhân độc lập và có quyền hiện thực hóa một tình yêu cao đẹp.

Trong quan niệm của các nhà trường phương Tây bất cứ quan hệ tình cảm nào mà một bên có ưu thế mặc cả hoặc đổi chác thì đều được coi là phi luân lý. Anh nghĩ sao?

Đúng là các nhà giáo dục phương Tây đặc biệt phản đối các mối quan hệ này. Thậm chí có nhiều nhà giáo còn bị đi tù vì có quan hệ tình dục với học sinh hay sinh viên của mình. Họ cho rằng khi ở vị trí như vậy là có sự lạm dụng.

Đối với các quốc gia phương tây, chuyện riêng tư và công việc là hai chuyện khác nhau trong khi đó ở Việt Nam thì chuyện đó ít chấp nhận hơn. Nhiều quốc gia, công ty, tập đoàn cấm cán bộ của mình được phép ăn tối riêng với đối tác hay có bất kỳ mối quan hệ phức tạp nào khác.

Còn ở Việt Nam thì thành tiền lệ, chưa là bạn bè, chưa nhậu với nhau thì chưa làm ăn kinh doanh được. Đó là quan điểm về sự chuyên nghiệp. Trong công việc, anh chỉ nên có quan hệ về mặt công việc mà thôi. Còn lại đều bị xem là có mâu thuẫn về lợi ích. Và khi có mâu thuẫn về lợi ích thì đều bị coi là rất nặng.

Chính vì quan điểm khác nhau như vậy sẽ dẫn tới việc nhìn nhận khác nhau cho cùng một hành động. Việc quan hệ tình cảm trong trường học giữa thầy và trò là không thể chấp nhận ở phương Tây thì có thể được dễ dàng chấp nhận ở Việt Nam.

Hơn ai hết, thầy cô giáo cần là người chuyên nghiệp và
hiểu đây là chuyện không dễ chấp nhận

Hơn ai hết, thầy cô giáo cần là người chuyên nghiệp và hiểu đây là chuyện không dễ chấp nhận

Các thầy không nên có ý định có tình cảm lãng mạn với sinh viên

Giả sử, anh sẽ bị rơi vào trường hợp “mến”sinh viên nữ nào đấy? khi bị nhà trường, dư luận phản ứng thì anh ứng xử thế nào?

Tôi không nghĩ rằng ở Việt Nam mọi người có xu thế phản đối mà ngược lại có xu thế khuyến khích và đồng tình nhiều hơn. Theo quan sát của cá nhân, tôi phải khẳng định là chuyện nảy sinh tình cảm lãng mạn thường xuyên xảy ra, đặc biệt từ phía sinh viên.

Chuyện thần tượng hóa và có tình cảm lãng mạn với thầy cô giáo là chuyện không hiếm. Việc này thường xảy ra với các thầy độc thân và dễ gần với sinh viên. Nhưng cũng không hiếm trường hợp nữ sinh tìm cách thể hiện tình cảm cả những thầy giáo đã có gia đình. Sinh viên khi mắc vào việc này thường sao nhãng việc học hành, đôi khi còn có hành động gây chú ý với đối tượng của mình và tìm các cơ hội để gần gũi riêng.

Hơn ai hết, thầy cô giáo cần là người chuyên nghiệp và hiểu đây là chuyện không dễ chấp nhận. Xét về khía cạnh giáo dục học và xây dựng môi trường chuyên nghiệp thì việc có những tình cảm trong môi trường giáo dục là cần hạn chế. Tôi tin rằng phụ huynh có con cái gửi vào những trường có thái độ ứng xử chuyên nghiệp cũng sẽ thấy yên tâm hơn.

Là một hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam, có thể “chất trẻ” sẽ có suy nghĩ, quan niệm khác về quan hệ thầy – trò. Nếu trong trường ĐH FPT nảy sinh mối tình giữa thầy – trò, với vai trò là hiệu trưởng thì anh xử lý thế nào?

Tôi rất mừng vì những việc như thế này bắt đầu được bàn luận ở Việt Nam. Với tôi là một người ham tìm hiểu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục phương Tây, tôi quan điểm là cần xây dựng một môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh và chuyên nghiệp.

Thực tế nếu dễ dãi với việc này, sẽ có những thầy cô chủ động tán tỉnh học sinh, sinh viên của mình và tạo phiền toái cho người học. Tôi đã từng nhận những than phiền và cảm giác hoảng sợ của sinh viên vì thầy giáo chủ định tán tỉnh sinh viên.

Giả sử học trò cũng có tình cảm thì dường như mọi việc dễ chấp nhận hơn, nhưng nếu sinh viên phản ứng thì mọi chuyện trở nên rắc rối vì người học không thể dừng học và chắc chắn có tâm lý không tốt để tiếp tục theo lớp học đó. Vì vậy, với tôi, ở cương vị là thầy cô, tốt nhất các thầy không nên có ý định có tình cảm lãng mạn với sinh viên của mình.

Cụ thể với Trường đại học FPT, chúng tôi còn có một hệ thống trường Trung học phổ thông nội trú trong đó có rất nhiều nữ sinh. Trong điều kiện xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, lại trong khuôn viên trường là bối cảnh rất lãng mạn thì tình cảm yêu đương dễ dàng phát sinh.

Chính vì vậy với Khối Trung học phổ thông chúng tôi cũng ban hành quy định cấm các thầy cô giáo có tình cảm lãng mạn với học sinh. Có như thế thì các phụ huynh mới yên tâm được con cái họ gửi nội trú vào trường không bị quấy rối và trường thực sự nghiêm túc trong vấn đề này.

Còn đối với bậc đại học trở nên, hiện tại chúng tôi chưa có quy định nhưng cũng sẽ thảo luận việc này.

Xin trân trọng cám ơn anh!

Hồng Hạnh (thực hiện)