Hiệu ứng từ bài văn hay: Thầy cô nô nức cải tiến đề văn

(Dân trí) - “Bố ơi, hôm nay cô giáo của con ra đề văn lạ quá. Con không biết làm thế nào. Bố làm giúp con. Đề văn là: Em hãy phác hoạ về nghề nghiệp của em trong tương lai” - H.T, một học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội đã một mực nhờ bố “đánh vật” với cái đề văn “lạ hoắc” mà cô giáo mình vừa ra như vậy.

Không chỉ ở trường THPT Phan Huy Chú mà hiện nay ở nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, các thầy cô giáo dạy môn văn đang... nô nức thử tài học sinh bằng những kiểu ra đề “vượt rào” và họ cố gắng ra đề càng lạ càng được xem là sáng tạo.

 

“Đốm sáng nhỏ” thổi bùng lên sự học

 

Đó là mong muốn và cũng gần như là mục đích chính của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi quyết định về thăm học sinh Nguyễn Thị Hậu, người có bài văn vừa gây xôn xao dư luận thành phố Vinh. 

 

Quyết định này của Bộ trưởng gần như có tác động tức thời. Rất nhiều giáo viên dạy văn đã thấy vô cùng cảm kích trước chuyến đi này của Bộ trưởng. Cô Hoàng Liên, một giáo viên của trường THPT Kim Liên đã nghỉ hưu nhận xét: “Không ngờ chỉ một bài văn mà lại được Bộ trưởng quan tâm đến thế. Trong mấy chục năm đứng lớp, đối với tôi, hình như đó là một việc chưa có tiền lệ”. 

 

Cũng theo cô Liên thì để có được một đề văn hay, người giáo viên thực sự phải có nhiều tâm huyết với nghề. “Khi được đọc một bài văn do chính học sinh của mình viết hay và sáng tạo như bài văn của em học sinh Hậu đó, quả thật đó cũng là một niềm hạnh phúc khó gì sánh được đối với mỗi người làm thầy như chúng tôi. Một niềm hạnh phúc rất giản dị nhưng rất nhiều năm qua đã “ngủ yên” trong các nhà trường phổ thông. Có lẽ do chúng ta chưa có một cơ chế xứng đáng để khuyến khích hay động viên các thầy cô. Vì thế, cách dạy và học của chúng ta luôn là chuyện phải bàn mãi”.

 

Vượt qua điểm số

 

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, bài văn đạt điểm 10 của thí sinh Hoàng Thuỳ Nhi thi vào ĐH Huế đã khiến dư luận phải xôn xao, tuy nhiên, đó là sự xôn xao để phản đối điểm 10 này, thậm chí, có người còn cho rằng đó là một bài đạo văn. Thực ra, đó chỉ là một bài văn quá kém về tính sáng tạo mặc dù rất chỉnh chu về kiến thức. 

 

Nhận xét về hiện tượng này, PGS.TS Văn học Lê Quang Hưng, giảng viên trường ĐH Sư phạm đã cho rằng đó không phải là lỗi từ phía học sinh mà chỉ do lỗi ở cách dạy và và ra đề văn hiện nay. “Đã thế, việc chấm văn lại thoáng hơn so với trước đây. Trước đây, văn mà được điểm 7, 8, 9 rất ít nhưng nay điểm văn cao thì điểm thi đại học cao hơn. Nhưng đặt bút cho điểm văn đại học phải thận trọng, không sẽ phản tác dụng. Nếu không chừng người chấm không nắm hết được vấn đề ấy lại vô tình cho điểm cao. Người chấm phải có trình độ thẩm vấn vì đặt bút cho bài văn điểm 9, 10 phải cân nhắc. Không nên có phong trào cho 10 điểm văn”.

 

Cũng theo thầy Hưng, chúng ta rất cần những bài văn “vượt qua điểm số như bài văn của em Nguyễn Thị Hậu. Tuy nhiên, sáng tạo phải trên cơ sở kiến thức chuẩn, cơ bản. Một bài văn được coi là hay khi nó chân thành, thật, viết bằng sự xúc động riêng, có cảm nhận riêng”.

 

Nhận định về việc có nên bùng nổ hiện tượng ra đề “lạ” cho học sinh để phát huy được tính sáng tạo hay không, thầy Hưng cho rằng: “Một bài văn lạ khi không giống, không rập khuôn, không theo bài bản khuôn mẫu. Bài văn sẽ được coi là lạ nếu khác với kiểu làm văn và ra đề lâu nay, lạ về bản thân vấn đề mà nó đề cập.

 

Với việc học văn và dạy văn hiện nay, rõ ràng là chúng ta cần thay đổi cách thức ra đề để phát huy ý kiến cá nhân. Tuy nhiên không nên chuyển từ chỗ thiên về nghị luận văn học chuyển sang thiên về nghị luận chính trị xã hội. Phải xác định xem cần đến mức nào. Trong trường phổ thông cần có kiến thức chuẩn, cơ bản. Sự sáng tạo phải trên cơ sở đó. Thay đổi nhưng không cực đoan. Phải có chuẩn trên cơ sở kiến thức cơ bản”.

 

Nhóm PV Giáo dục