Tư vấn tuyển sinh 2009:

Hồ sơ ĐKDT có mục ghi NV2?

(Dân trí) - Hệ CĐ của trường ĐH Công đoàn? Phân khoa ở trường ĐH Luật Hà Nội? Nên chọn trường nào để dự thi? Học lực khá thì có thể thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội? Chuyên ngành hoá dược? Làm sao biết trường CĐ nào thi tuyển và xét tuyển?...

Hỏi: Cho em hỏi, em thi vào trường ĐH Công Đoàn nếu không đỗ hệ ĐH thì có phải nhà truờng sẽ tự động chuyển em xuống hệ cao đẳng hay không? Nếu không thì nhà trường sẽ xét tuyển như thế nào? Trong hồ sơ ĐKDT em phải điền gì?(coldboy007_nd90@yahoo.com.vn)

Trả lời:

Theo thông tin từ phía Nhà trường, thì hệ CĐ chỉ xét tuyển chứ không tổ chức thi tuyển. Những thí sinh ĐKDT vào trường không trúng tuyển hệ ĐH phải làm đơn xin xét tuyển NV xuống hệ CĐ. Nhà trường không tự động chuyển thí sinh xuống hệ này.

Nguyên tắc xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể: sau khi nhà trường thông báo xét tuyển NV2 (hoặc NV3), những thí sinh có đủ điều kiện sẽ nộp hồ sơ tham gia xét tuyển theo đúng thời gian quy định. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ nhà trường sẽ thông kê sau đó công bố điểm chuẩn NV. Những thí sinh đạt điểm chuẩn trở lên sẽ trúng tuyển vào trường.

Trong hồ sơ ĐKDT không có mục để đăng ký NV2 hay NV3 mà chỉ có duy nhất một NV (còn gọi là NV1). Nếu em chọn NV1 là hệ ĐH của trường thì bỏ trống mục 3, nếu em chọn NV1 là hệ CĐ của trường thì sử dụng đồng thời cả mục 2 và mục 3.

Em là sinh viên 1 trường cao đẳng ở Hà Nội nhưng do nhu cầu muốn ôn thi để thi lại nên em đã làm đơn xin bảo lưu khi học xong học kỳ 1 và đã được nhà trường đồng ý. Nhưng theo em được biết theo quy chế của bộ giáo dục và đạo tạo sinh viên các trường đại học cao đẳng muốn tham dự kỳ thi tuyển sinh đại hoc thì phải xin chữ ký của hiệu trưởng nhà trường. Vậy em muốn hỏi trong trường hợp của em khi đã bảo lưư rồi thì khi làm hồ sơ có phải xin chữ ký của hiệu trưởng nữa không?(a1cvppro0508@yahoo.com)

Nếu có thể thì em nên xin phép Ban giám hiệu Nhà trường, vì nếu sau này em không trúng tuyển mà nhà trường phát hiện thì hoàn toàn có thể gây khó dễ cho em.

Tuy nhiên, theo Ban tư vấn thì do em đã bảo lưu kết quả nên có thể coi là một thí sinh tự do nên em chỉ cần về địa phương xin dấu xác nhận và nộp theo thời gian quy định.

Năm nay em dự định thi khối D vào trường ĐH Luật Hà Nội. Em muốn học ngành Luật Kinh tế, nhưng trường lại tuyển sinh theo khối nên em không biết làm thế nào để em có thể học đúng ngành mà mình yêu thích. Liệu nhà trường có căn cứ vào điểm thi để chia ngành học không? Nếu thế thì em phải thi được khoảng bao nhiêu điểm để có thể học ngành Luật Kinh tế?(langtudianxin@yahoo.com.vn)

Thật ra, trường ĐH Luật chỉ đào tạo duy nhất một chuyên ngành là Luật mà thôi. Việc mở ra các khoa Luật Kinh tế, Hình sự,…chủ yếu là để dễ quản lý sinh viên.

Nói cách khác, sinh viên theo học tại trường sẽ được đào tạo tất cả các lĩnh vực: Pháp luật kinh tế; Luật hình sự; Luật dân sự; Luật hành chính- Nhà nước; Luật quốc tế và kinh doanh quốc tế. Sau khi tốt nghiệp sinh viên được cấp bằng Cử nhân Luật.

Em đã xác định thi 2 khối là A và D, em cũng đã chọn ra NV1 và NV2 của mình cho cả khối A và D. Tuy nhiên em vẫn chưa rõ cấu trúc của hồ Sơ tuyển sinh như thế nào? Nếu em thi 2 khối, NV1 của khối A và NV1 của Khối D và giả sử em đậu cả 2 NV thì em có thể vào trường nào theo NV đã ghi trong hồ sơ? Vậy có phải em nộp 2 hồ sơ vào 2 trường, khi em đậu cả 2 trường thì em được chọn NV1 của trường mà mình muốn không?

Trước hết em cần nhớ điều này, khi làm hồ sơ ĐKDT em hay quên khái niệm NV2 hay NV3. Chỉ nhớ duy nhất một điều, trong hồ sơ ĐKDT chỉ đăng ký duy nhất một NV (gọi là NV1).

NV2 và NV3 chỉ xuất hiện sau khi các trường công bố kết quả thi. Chỉ có những thí sinh trượt NV1 nhưng có điểm thi đạt từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên sẽ được cấp giấy chứng nhận số 1 và số 2 để tham gia xét tuyển vào NV2, NV3.

Quay lại với trường hợp của em, do em thi khối A, D là hai khối thi ở hai đợt thi khác nhau nên em có hai nguyện NV1. Cụ thể, NV1 khối A và NV1 khối D.

Nếu em trúng tuyển của hai khối (cả hai NV1) thì em hoàn toàn có thể lựa chọn một trong hai trường để nhập học.

Em đang phân vân giữa khoa kinh tế - ĐHQG TPHCM và ĐH Kinh tế TPHCM không biết nên chọn trường nào? Các trường khối kinh tế thì có cần ở gần trung tâm thành phố để tham gia các hoạt động xã hội không? (annamngutuyet@gmail.com)

Theo Ban tư vấn thì việc chọn trường nào chủ yếu phụ thuộc vào lực học cũng như sở thích của em.

Tuy nhiên, trường ĐH Kinh tế TPHCM có lợi thế đào tạo hơn vì đây là trường chuyên đào tạo các lĩnh vực về kinh tế và có thành tích nhiều năm.

Nói chung, theo xu hướng hiện nay việc sinh viên tham gia các hoạt động xã hội là điều nên làm mà nhất thiết là theo học khối trường kinh tế hay khối trường khác.

Thông qua các hoạt động này sẽ làm cho sinh viên trở nên năng động và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sống để trưởng thành hơn.

Với học lực khá liệu em có thể dự thi vào khoa CNTT trường ĐHBK Hà Nội được hay không? Vì thực ra em thử làm mấy đề thi năm ngoái thì điểm cũng chỉ tầm 20 điểm thôi? (lyhaipro@gmail.com)

Trước hết phải nhắc lại, trường ĐH Bách khoa Hà Nội không phân ngành ngay từ đầu mà phải sang năm thứ 2 nhà trường mới phần khoa/ngành. Việc phân khoa/ngành phụ thuộc vào kết quả học tập ở năm đầu tiên và nguyên vọng khi đăng ký.

Nếu em có thể làm được 20 điểm thì vẫn có cơ hội trúng tuyển vì trên thực tế điểm chuẩn của trường ĐH Bách khoa HN vài năm trở lại đây đều ở mức trên hoặc dưới 20 một chút.

Theo Ban tư vấn, nếu thực sự em thích ngành CNTT của trường ĐH Bách khoa thì nên cố gắng ôn tập cho tốt, thời gian còn khá dài và việc điểm chuẩn sẽ tăng hay giảm còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi, mức độ đề thi… Do đó em không cần phải lo lắng sớm nhé.

Xin hỏi khoa Hóa học của trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia HN khi ra trường có thể xin vào làm ở các xí nghiệp dược phẩm được không? Nếu em muốn theo học ngành hóa dược thì cần phải theo học chuyên ngành nào, hóa hữu cơ hay hóa phân tích? Ngoài ĐH Khoa học tự nhiên còn trường nào đào tạo chuyên ngành hóa dược nữa không và mức điểm chuẩn trung bình của ngành này là bao nhiêu? (o0wilding0o@yahoo.com)

Mục tiêu đào tạo của khoa Hoá trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội là nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những kiến thức cơ bản về Hoá học và kiến thức chuyên sâu về Công nghệ các quá trình Hóa học, tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. có khả năng ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán thực tế trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh, các công ty liên doanh có sử dụng kiến thức công nghệ hoá học và hoá học hoặc có thể được đào tạo tiếp bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Các chuyên ngành đào tạo: Các quá trình thiết bị hoá học; Công nghệ vật liệu; Công nghệ hoá sinh thực phẩm; Công nghệ Môi trường; Hoá dầu; Hoá dược.

Như vậy khi tốt nghiệp ở trường ĐH Khoa học tự nhiên thì hoàn toàn có thể làm được trong các xí nghiệm thực phẩm (mang tính chất nghiên cứu).

Khái niệm Hoá hữu cơ, Hoá phân tích và Hoá dược là các lĩnh vực chuyên ngành tương đối khác nhau. Tuy nhiên các bộ môn này lại có tác dụng bổ trợ cho nhau và cùng thuộc phạm vi ngành chính là ngành Công nghệ hoá học.

Theo Ban tư vấn được biết thì hiện nay có trường ĐH Bách khoa HN đào tạo ngành Hoá dược thuộc khoa Công nghệ hoá học. Điểm chuẩn đầu vào của trường năm 2008 là 21.

Em cháu năm nay thi đại học và muốn dự thi một trường trong TPHCM. Cháu muốn hỏi thủ tục dự thi như thế nào và nộp hồ sơ ở đâu? Có nộp ở trường cấp 3 như các hồ sơ ở phía Bắc được không?

Nếu em bạn đang học THPT thì bắt buộc phải nộp hồ sơ tại trường. Về nguyên tắc thí sinh hoàn toàn được phép nộp hồ sơ theo tuyến quy định mà không phụ thuộc dự thi trường phía Bắc hay phía Nam. Tuy nhiên, năm 2008 có rất nhiều trường THPT phía Bắc không nhận hồ sơ ĐKDT vào các trường phía Nam với lý do là không thể chuyển hồ sơ vào khu vực này.

Nếu điều đó xảy ra thì em bạn đành phải nhờ người quen hoặc trực tiếp nộp hồ sơ ĐKDT cho trường phía Nam mình đăng ký trong khoảng thời gian từ 11-17/4.

Em ở Đaclak và em là thí sinh tự do năm nay em thi tại trường ĐH Tây Nguyên, nếu em thi vào trường cùng tỉnh nơi em sinh sống thì em có được cộng điểm khu vực không? (kiniemtaynguyen.ptn@gmail.com)

Điểm ưu tiên khu vực được áp dụng ở đối với tất các các trường. Việc em ở cùng nơi cư trú với trường cũng không ảnh hưởng đến điểm ưu tiên khu vực. Cụ thể: KV2 cộng thêm 0,5 điểm; KV2-NT cộng thêm 1 điểm và KV1 công thêm 1,5 điểm.

Cho em hỏi, làm sao để biết được trường cao đẳng nào là tổ chức thi tuyển, còn trường nào là xét tuyển? (llsmile.tearll@yahoo.com.vn)

Em không nên lo lắng điều này. Thông tin các trường CĐ có tổ chức thi tuyển và không tổ chức thi tuyển sẽ được nêu rất rõ ràng trong quyển “Những điều cần biết…”. Ngoài ra Dân trí cũng sẽ sớm cập nhật những thông tin này ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố.

Ban tư vấn tuyển sinh