Hỗ trợ một phần kinh phí học sau ĐH cho SV chương trình tiên tiến

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ dành một phần kinh phí của Đề án 322 cấp cho khoảng 5% số sinh viên tham gia học chương trình tiên tiến sau khi tốt nghiệp đi học tiếp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đối tác.

Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã cho triển khai thí điểm 10 chương trình tiên tiến (CTTT) tại 9 trường ĐH trọng điểm. Đến nay, trên cả nước đã có 23 trường ĐH hợp tác với 22 trường ĐH quốc tế để triển khai thực hiện 35 CTTT trong đó có 20 chương trình thuộc khối ngành Kỹ thuật, công nghệ, 5 chương trình thuộc khối ngành Kinh tế, 1 chương trình thuộc khối ngành Khoa học sức khỏe, 6 chương trình thuộc khối Khoa học tự nhiên và môi trường, 3 chương trình thuộc khối Nông nghiệp. Hầu hết các trường đối tác nước ngoài được xếp hạng trong tốp 200 theo bảng xếp hạng của US News.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, sau 2 năm theo học CTTT, hầu hết các SV đều đạt trình độ tiếng Anh tối thiếu 550 điểm TOEFL. Số SV đạt học lực khá giỏi của các khóa CTTT đều chiếm trên 75%. Nhiều SV đã được các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng ngay trong quá trình học tập.

Đội ngũ giảng viên tham gia dạy CTTT phần lớn là giảng viên nước ngoài có uy tín của trường đối tác từ Mỹ, Anh, Úc... có phương pháp giảng dạy hiện đại, có bài giảng biên soạn theo hướng yêu cầu SV phải tự học, tự nghiên cứu, có phương pháp kiểm tra, đánh giá tốt, phát huy tính tích cực chủ động và sáng tạo của SV. Một số trường đã thu hút được SV nước ngoài đến học.

Khắc phục một số hạn chế trong CTTT, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Ga cho hay, Bộ sẽ dành một phần kinh phí của Đề án 322 cấp cho khoảng 5% số SV tham gia học CTTT sau khi tốt nghiệp đi học tiếp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đối tác. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ trong việc điều chỉnh một số nội dung đề án CTTT như phương thức hỗ trợ (có thể giảm dần sau 3 khóa đến chấm dứt từ khóa thứ 6); việc tiếp tục hỗ trợ sau khóa thứ 3 được xem xét trên cơ sở kết quả và hiệu quả thực hiện từng CTTT. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai CTTT, nghiên cứu phát triển các chương trình chất lượng cao thu học phí cao trong đó toàn bộ nội dung giảng dạy, đánh giá thực hiện như CTTT chỉ khác là có thể giảng dạy bằng tiếng Việt cho các đối tượng chưa đủ điều kiện về tiếng Anh.

Ngoài ra, Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế thu nhập đối với giảng viên nước ngoài sang giảng dạy CTTT ở Việt Nam. Đồng thời tiếp tục xem xét, điều chỉnh Thông tư liên tịch số 220/2009/TTLT-BTC-BGDĐT về nội dung chi, khoản chi, cho phép điều chỉnh giữa các mục chi. Xem xét bổ sung nội dung chi cho SV đi thực tập, trao đổi ở nước ngoài.

Hồng Hạnh