Học bạn nhưng cần “biết mình, biết ta”

Các nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh… đã nhìn thấy lợi ích lớn từ việc nhập hai kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH làm một và việc này đã được thực hiện cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào lại là một bài toán khó.

Nhìn ra thế giới

 

Do đặc điểm khác biệt về  điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa… không mấy khi thấy hệ thống giáo dục của quốc gia này lại hoàn toàn giống nền giáo dục của một quốc gia khác. Chúng ta thử tham khảo 2 hệ thống giáo dục đặc trưng cho 2 trường phái lớn trên thế giới.

 

Hệ thống đại học ở Pháp hiện chia thành hai nhóm trường: nhóm các trường đại học (université) và nhóm các trường đại học lớn, danh tiếng (grande école). Hiện tại, hệ thống này không còn duy trì kì thi tuyển để vào các trường đại học (université). Việc xét tuyển dựa trên điểm học bạ THPT và điểm tốt nghiệp trung học.

 

Nhận biết được khoảng cách lớn về kiến thức cần tích lũy trước khi vào học tại các trường ĐH (université) và các trường  ĐH danh tiếng (grande école), sinh viên muốn học tại các trường danh tiếng sẽ phải theo học 2-3 năm gọi là thời gian "chuẩn bị" (préparatoire), sau đó sẽ là một kì thi gắt gao để được vào trường.

 

Khác với Pháp, ở Canada thậm chí còn không có kì thi tốt nghiệp tú tài (THPT). Các trường đại học cũng không chia thành 2 nhóm tách biệt mà "vị trí" của mỗi trường đã được xếp hạng dựa vào "uy tín" của trường đó. Trường có uy tín càng cao thì số sinh viên có chất lượng đăng kí vào học càng nhiều.

 

Để chọn lựa sinh viên, các trường chủ yếu dựa trên kết quả học tập trước đây, đặc biệt là những năm trước khi vào đại học. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có một hệ thống giáo dục bậc THPT rất đồng đều, không phải nước nào cũng làm được điều đó.

 

Có thể thấy, 2 hệ thống giáo dục trên đều đã bỏ đi được kì thi đại học hao tiền tốn của, tốn công sức, nhiều áp lực. Nhưng để bỏ được kỳ thi này, rất nhiều việc họ đã làm được, đặc biệt là chất lượng bậc THPT đã được đảm bảo.

 

VN: Chưa thấy an tâm!

 

Trong bối cảnh giáo dục nước nhà, chúng ta chưa thể dựa vào bảng điểm các lớp cấp THPT để xét tuyển vào đại học. Chất lượng giáo dục ở bậc học này vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa các địa phương.

 

Theo phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH năm 2007 của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH còn vênh lớn. Chúng ta có thể hiểu được độ vênh này là do tiêu chí của 2 kì thi khác nhau. Nhưng thật khó có thể lí giải nổi tại sao ở các địa phương khác nhau, tỉ lệ chênh lệch trên cũng có sự khác nhau rất lớn.

 

Ví dụ như tại TPHCM, tỉ lệ lệch môn toán giữa 2 kì thi lên đến 5.03 điểm. Có thể hiểu, một học sinh thi tốt nghiệp được 7 điểm (điểm khá) nhưng thi ĐH chỉ được 2 điểm. Trong khi đó, ở Hải Dương, độ lệch này chỉ là 3,13 điểm.

 

Mức chênh lệch này chứng tỏ mức độ nghiêm ngặt trong kì thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương là khác nhau. Nếu không còn kỳ thi ĐH nữa, chỉ dựa vào kết quả này, thì sự nghiêm túc của mỗi địa phương sẽ tỉ lệ thuận với sự thiệt thòi của chính học sinh tỉnh đó. Vì chỉ chênh nhau 0,5 điểm thôi đã có thể đánh trượt học sinh, huống gì chênh giữa hai địa phương này tới gần 2 điểm.

 

Năm vừa qua là một năm thành công của Bộ GD-ĐT khi chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, hiện tượng tiêu cực trong thi cử đã giảm rất nhiều, nhưng con số tốt nghiệp vừa rồi chưa hẳn đã đúng với thực lực của học sinh. Sự chênh lệch giữa các địa phương cho thấy mỗi địa phương nhận thức và hành động còn khác nhau.

 

Do vậy, cần có thêm thời gian để làm tốt hơn nữa chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT. Chỉ đến khi nào sự chênh lệch này đồng đều giữa các địa phương và giảm tối đa hiện tượng tiêu cực thì đề án này mới có thể đi vào hiện thực.

 

Th.S Võ Nhân Hậu

(GV ĐH Nông nghiệp I)

Theo VTCnews