“Học cái cao cao”... là thế sao?

1. Một người bạn vừa quyết định không tiếp tục “mài đũng quần” để lấy tấm bằng cao học nữa chỉ vì… không chịu nổi sự phi lý đến kinh khủng. Bạn cho biết chương trình cao học gì mà suốt học kỳ I ngày nào lên lớp cũng chỉ toàn học tiếng Anh và triết học.

Mà có phải cao học là “học cái cao cao” gì cho sang. Tiếng Anh cũng bập bõm vỡ lòng, triết học thì vẫn những điều đã học ở ĐH. Trong khi đó, yêu cầu đối với tân cử nhân tốt nghiệp ĐH, ngoại ngữ đã tương đương trình độ B chứ chưa nói đến yêu cầu đối với bậc cao học.

 

Tuy nhiên, điều khiến bạn tôi quyết định không học nữa vì câu phát biểu hết sức tự nhiên và... thành thật của một vị tiến sĩ đứng lớp: “Nói trắng ra là các anh chị đóng tiền vào đây để… mua bằng nên ai muốn học sao thì học”!

 

Nghe xong câu phát biểu xanh rờn đánh tan mọi nỗ lực và háo hức ấy, anh nhất mực khăn gói ra về dù đã đóng một khoản học phí kha khá. Mà không chỉ anh bạn này, hai người bạn khác cùng lớp cũng có quyết định tương tự vì “không thể chịu nổi kiểu học hành như thế”.

 

2. Còn tại một lớp cao học khác ở phía Nam, lịch trình giảng dạy của một số vị tiến sĩ ngoài Bắc vào cũng... ngộ không kém. Thường chỉ có năm, sáu ngày cho một chuyên đề nên tùy theo dung lượng dài ngắn của chương trình mà lớp sẽ học một hay hai buổi. Nhưng gần như có một công thức chung: ngày đầu tiên làm quen để tạo thân tình, các ngày tiếp theo học, ngày cuối cùng dành cho những chuyến tham quan, picnic đây đó.

 

Thậm chí, có vị vừa ngồi xuống ghế đã lên hẳn lịch trình ngày nào học viên “có nhiệm vụ” dẫn thầy đi ăn, ngày nào “có nhiệm vụ” đưa thầy đi chơi. Vì quan điểm sẵn có: học cao học phải tự nghiên cứu là chính, thầy giáo chỉ giúp về phương pháp. Nhưng phương pháp gì khi thời gian dành cho những chuyến thăm thú, chơi bời ngồn ngộn như thế!

 

Và đã thành thông lệ, buổi học cuối luôn phải quà cáp coi như chia tay thầy cô. Một học viên trong lớp tiết lộ: “Vui vẻ gì đâu nhưng không thể không làm, có vậy thầy mới nhẹ tay khi chấm bài chứ”!

 

3. Hai câu chuyện chưa thể nói hết được vấn đề nhưng cũng là điều đáng để ngẫm lại. Không vơ đũa cả nắm nhưng chả thế mà không ít người vẫn nửa đùa nửa thật: “Bây giờ tiến sĩ đầy trường, còn thạc sĩ đầy đường”. Và cũng chẳng có gì lạ nếu chất lượng giáo dục ngày càng sa sút khi mà nhiều thạc sĩ, tiến sĩ cứ đều đều “ra lò” từ những lớp học như thế.                       

 

Theo Đinh Trần

Tuổi Trẻ