Học “chui” ngoại ngữ

Vờ đi muộn, ngồi ngoài. Giả lần đầu học thử. Xin khất một ngày quên mang thẻ... Với giới sinh viên nghèo và nhiều trò láu cá, thì chuyện “học chui” ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học... là chuyện thường ngày ở huyện.

1001 kiểu… học chui

Ở lớp học biên dịch tiếng Anh của thầy Thái Bá Tân, ĐHBK Hà Nội, chuyện học không thẻ, không đóng tiền hay “học nghèo” như cách gọi của các bạn sinh viên, đã trở nên quá quen thuộc.

“Nếu mua thẻ học sẽ hết ít hơn nhiều (150.000đ/1người/tháng, 600.000đ/người/năm) nhưng thường thì mình vẫn học buổi nào đóng tiền buổi đó (10.000đ/buổi), hôm nào hết tiền đành phải học chui.

Nhiều hôm cả lớp đến 1/3 bạn xin thầy cho học nghèo. Được cái, thầy thương và quý học trò nên chẳng mấy khi bắt bẻ. Thậm chí nếu bạn đạt học bổng ở trường nói với thầy còn được tặng thẻ miễn phí nữa”, Tuấn Anh, SV ĐHBK Hà Nội cho biết.

Còn với Quang Hoà, SV ĐH Công nghiệp Hà Nội, học chui đã trở thành một cách “tiết kiệm” khá hữu hiệu. Giải pháp của cậu là đến muộn, vào sau để tránh việc bị thấy phát hiện.

“Lớp học lúc nào cũng chật cứng, đến sau thì ngồi luôn ở ngoài hành lang. Cũng tiện, vì thầy chỉ kiểm tra các bạn ngồi trong giảng đường chứ thời gian đâu mà xem thẻ của mấy bạn ngồi ngoài như mình”.

Một cái tiện nữa, như Hoà nói, là “muốn về lúc nào cũng được, đỡ phải lách mình qua cả trăm con người khi tan học”.

Cũng bằng cách đi muộn mà Trường, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vượt qua được việc kiểm tra thẻ ở lớp học tiếng Anh của trung tâm Anh ngữ Sao Việt được gần tháng nay.

Đó là chuyện học ở những lớp khá đông người. Vậy còn trong trường hợp những phòng chỉ đủ sức chứa 15 - 25 người thì sao? Câu trả lời vẫn là có.

“Thì mình cứ nói là hôm nay là buổi đầu, em muốn đi học thử nên chưa kịp mua thẻ rồi nài nỉ các thầy bỏ qua cho”, Tiến, SV ĐH Kinh tế quốc dân bật mí: “Người đi kiểm tra thẻ mỗi lần một khác nên mình cũng tuỳ cơ mà… xưng tên, tuổi, quê quán?!”.

“Hiên ngang” không kém là trường hợp của Đ.C, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Gần 2 tháng học ở trung tâm tiếng Anh, ĐH ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội mà cậu chỉ mất vỏn vẹn chục ngàn đồng.

Số tiền này được trả cho buổi đầu đến “học thử ở đây xem sao”. Tiếp theo thì cứ việc mà đường hoàng thẳng tiến. “Cũng có lần người kiểm tra vào hỏi đấy nhưng may mình lại mượn được của bạn bên cạnh”.

Một cách nữa cũng được nhiều bạn “ưa chuộng” là việc “cấy thêm” hay sửa lại ngày hết hạn lên trên thẻ học của trung tâm. Như ở lớp của thầy Tân, chỉ cần một cái nhấp bút vậy là từ con số 3 có thể trở thành 8 và 6 cũng có thể biến thành 8 nếu muốn sửa. Và thực tế thì một vài trường hợp học chui theo kiểu này cũng đã có dịp thực hiện thành công “phi vụ” này.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Song cũng không ít những trường hợp đã bị “sờ gáy”. Nhưng các cô tú, cậu tú của chúng ta cũng đâu phải vừa. Hoà là một ví dụ: 4 lần bị phát hiện vì “chưa có thẻ” cũng là 4 lần cậu phải thực hiện kế sách van nài, xin tha thứ, để rồi lần sau… cứ thế mà “phát huy”.

“Cùng lắm thì bị đuổi ra khỏi lớp, không cho học nữa thôi mà. Có sao đâu”, T. thành thật. Bởi lẽ, chính cậu đã không dưới 2 lần bị “trục xuất” khi đang ngồi học cọp ở một số trung tâm Anh ngữ.

Việc thầy cô dạy không trực tiếp kiểm tra thẻ chính là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng học chui. “Thầy dạy của bọn mình là sinh viên năm cuối trường Ngoại ngữ nên cũng hiểu và thông cảm. Vì bản thân thầy trước…cũng vậy mà”, Đ.C kể.

Với Nhân, cô bạn nữ có khuôn mặt xinh xắn và tính cách rụt rè thì chuyện học chui luôn khiến cô trong tình trạng sợ sệt, lo lắng: “Mỗi lần người kiểm tra thẻ bước qua lớp tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhỡ bị phát hiện ra thì ngại lắm”.

Nhân tâm sự: “Chắc chỉ vài buổi nữa thôi thì mình cũng dừng luôn. Thà mất tiền mua thẻ chứ mình không có gan như mấy bạn nam cùng lớp được”.

Vì nhu cầu bức thiết của bản thân và yêu cầu của xã hội mà nhiều bạn sinh viên vẫn rất kiên trì với chuyện học chui. Sự lỏng lẻo trong khâu quản lí học viên ở một số trung tâm anh ngữ, tin học trên địa bàn Hà Nội luôn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Theo Vietnamnet