Học đại học Mỹ tại Việt Nam: Có khi chỉ vì cái danh ghi vào name card

(Dân trí) - “Tôi không tin Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động cho các trường đại học chưa được kiểm định của nước ngoài. Nhưng lựa chọn của người học và người sử dụng lao động là chuyện khác. Thực tế có người chỉ cần học để có cái danh ghi vào name card là đủ”…

Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 3/11.

Hiện có trên 20 trường đại học của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, liên kết với cơ sở giáo dục trong nước để đào tạo, cấp bằng, có thu học phí cao. Là người đứng đầu cơ quan giám sát về lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các cơ sở đào tạo này?

Các trường đại học của Việt Nam có thể liên kết với các trường ở  nước ngoài, đặc biệt là các trường của Mỹ để hợp tác đào tạo nhưng phải là liên kết với những trường được kiểm định chất lượng. Vì ở Mỹ, các trường đại học của họ rất khác Việt Nam. Và điểm quan trọng là các trường phân biệt với nhau bằng việc có được tổ chức kiểm định có uy tín đánh giá hay không. Tính riêng số lượng những trường được kiểm định ở Mỹ cũng đã rất nhiều.

Tôi biết là Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn cho các trường có hoạt động liên kết đào tạo là có liên kết cũng phải liên kết với những trường có chương trình giáo dục đã được kiểm định về chất lượng. Cho nên, những trường chưa được kiểm định thì không đảm bảo chất lượng và phía Bộ GD-ĐT của chúng ta cũng không thừa nhận những bằng cấp của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài mà không được kiểm định về chất lượng.

Thực tế, cũng có những trường đại học của Mỹ  vào Việt Nam mà chưa được kiểm định chất lượng. Để kiểm soát vấn đề này, lẽ ra trước khi cấp phép, Bộ GD-ĐT phải tổ chức kiểm định chất  lượng. Nhưng theo tôi biết, ở Việt Nam chưa có thói quen thực hiện việc kiểm định đó. Ngay cả các trường đại học của ta cũng thực hiện kiểm định chưa được nhiều.

Nhưng tôi không tin là Bộ GD-ĐT cấp phép cho các trường đại học chưa được kiểm định của nước ngoài để liên kết đào tạo, thu phí với các trường ở Việt Nam vì Bộ cũng đã có thông báo về việc này rồi.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

Vậy với những trường chưa được kiểm định chất lượng, chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép mà đã vào Việt Nam liên kết, tổ chức đào tạo, thu phí như ông nói, cơ quan chức năng phải rà soát, xử lý như thế nào?

Có nhiều người có nhu cầu đi học mà không cần bằng cấp được công nhận để sử dụng. Có khi họ chỉ cần chứng nhận này khác để đưa vào hồ sơ của họ, để có học vị và bằng cấp như vậy. Mục đích của người học rất khác nhau. Mà việc các cơ quan, doanh nghiệp có sử dụng những người có bằng cấp đó hay không thì không ai quy định chắc chắn, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thể không công nhận nhưng các doanh nghiệp tư nhân có sử dụng không là chuyện của người ta. Thực tế, có những người chỉ cần cái danh là đủ thôi. Họ cần cái danh chỉ để ghi vào name card là coi như đã đạt mục đích rồi.

Cho nên tôi nghĩ, cấm hay không cấm cũng cần cân nhắc cho phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam nhưng chắc chắn Bộ GD-ĐT cần phải có thông báo, thông tin công khai, minh bạch việc trường nào, được kiểm định, đánh giá ra sao để người dân không bị nhầm lẫn hoặc có thể bị lừa đảo bởi những tổ chức giáo dục như vậy, nhất là khi người học phải chịu mức phí rất cao mà bằng cấp đó lại không có giá trị gì về mặt pháp lý để được sử dụng chính thức.

Ông bình luận thế nào về việc đã có quan chức lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, cũng có những doanh nhân như ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Ocean Bank cũng đã sử dụng những bằng cấp dạng này?

Có những doanh nhân, có những người đã có chức vụ, có vị thế cần có bằng cấp như vậy cho dù thực chất, bằng cấp đó có thể chẳng giúp gì cho vị thế, cho công việc của họ. Nhưng trong một xã hội như chúng ra, có những người háo danh, hoặc có những người coi trọng học vị (của trường đại học không được kiểm định) vì bằng cấp cũng có gì đó thuyết phục hơn, hỗ trợ phần nào cho công việc của người ta. Có những bằng cấp không có giá trị gì về mặt kiến thức nhưng nó lại có giá trị về mặt tâm lý. Chính vì vậy, có những người thừa biết chương trình đào tạo đó không được công nhận nhưng họ vẫn theo đuổi.

Phần lớn các quốc gia, nhất là các nước phương Tây, việc tổ chức một trường đại học rất bình thường, mô hình hệt như một doanh nghiệp. Cơ sở đó có được xã hội, người dân của họ quan tâm hay không chính là do uy tín của họ xây dựng lên chứ không phải là do được cơ quan nhà nước nào đó công nhận. Sự công nhận của nhà nước chính ra lại không khó “xoay”, còn để nhận được sự công nhận của xã hội, của người học mới là khó. Vậy nên phải xây dựng được uy tín. Còn ở Việt Nam hiện nay, có khi qua được “cửa” thủ tục hành chính, được công nhận thì thành ra “cá mè một lứa” hết thì chính cái đó lại rất dở.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)