Học giả, lấy bằng thật!

Cách đây không lâu, tôi cùng hai đồng nghiệp tham gia lớp học lấy bằng đại học tại chức về luật. Tỉnh tôi không có trường đại học nên chương trình tại chức này mở ra do sự liên kết của một trường cao đẳng địa phương với một khoa chuyên ngành của một trường đại học lớn khác.

Trong vài buổi đầu lớp học có khá đông học viên, họ toàn là những cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong số ấy không ít người đi học theo chương trình “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”, một phong trào phổ biến đang được rất nhiều đơn vị hưởng ứng.

 

Rồi lớp học thưa dần trong những tuần tiếp theo. Theo qui định ban đầu, học viên nào vắng mặt phải trình bày lý do rõ ràng và phải được sự đồng ý của cán bộ quản lý, số lượng ngày nghỉ không quá 30% thời lượng chương trình đào tạo mới được thi học kỳ.

 

Qui định như vậy nhưng trên thực tế muốn nghỉ học bao nhiêu thì tùy, miễn là phải “biết điều” với cán bộ quản lý học vụ! Có nhiều học viên suốt cả học kỳ chẳng thấy lên lớp thế nhưng trên danh sách học vụ thì chỉ mới vắng hai, ba buổi với những lý do hết sức “chính đáng” như đi công tác tỉnh bạn, về cơ sở...

 

Về cách thức giảng dạy, gần như 80% thời lượng là do giáo viên địa phương phụ trách, mỗi tháng giảng viên của đại học liên kết mới về giảng một lần và phát cho một đống tài liệu yêu cầu học viên tự đọc đến... tháng sau. Khỏi phải nói cũng biết đa số tiết học có chất lượng như thế nào.

 

Cầm mấy quyển giáo trình trên tay ít ai nghĩ đó là những tài liệu dành cho lớp học ở bậc đại học, chúng vắn tắt và sơ lược đến mức... khó hiểu. Người nào chuyên cần đến lớp nghe giảng, ghi chú đầy đủ thì còn tạm, ai vắng mặt thường xuyên sẽ chẳng thể hiểu được gì.

 

Đến cuối học kỳ chúng tôi được yêu cầu “quyên góp” mỗi người 200.000 đồng, gọi là “tiền chi phí cho kỳ thi kiểm tra” (đây là số tiền không có trong sổ sách mà dùng để “trà nước” cho các giảng viên). Chúng tôi bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ với những câu hỏi được ôn đi ôn lại nhiều lần trước đó vài ngày, sau một cuộc thầy trò gặp mặt khá “hoành tráng” tại một nhà hàng hải sản.

 

Hơn một tuần sau biết được kết quả, hiếm lắm mới gặp được người... dưới 7 điểm, một kết quả quá “mỹ mãn” so với công sức bỏ ra và 100% học viên tiếp tục được theo học học kỳ tiếp theo. Cứ như cách học này thì tấm bằng cử nhân luật được trao cho tất cả học viên chỉ là vấn đề thời gian. Điều đó phụ thuộc cách “xử sự” và “biết điều” của người học hơn là những gì bản thân người học tiếp thu được.

 

Tôi thật sự không biết có bao nhiêu người trong lớp tôi theo học là những ông bà “cử” đúng nghĩa, nhưng có một điều chắc chắn là tất cả những ai có trong tay tấm bằng đại học sẽ rất thuận lợi khi xét duyệt danh hiệu, đề bạt chức vụ và nâng lương.

 

Theo P.K

 Tuổi trẻ