Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:

"Học ngoại ngữ không giao tiếp được là thất bại trong đào tạo"

(Dân trí) - "Học ngoại ngữ đòi hỏi tính ứng dụng rất cao. Nếu học xong lại không giao tiếp được, không chủ động được trong hoạt động đối ngoại thì là thất bại trong đào tạo", Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được tổ chức sáng 7/11.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: Hiện nay ở một số trường tồn tại tình trạng sinh viên học ngoại ngữ nhưng không giao tiếp được với người nước ngoài, và ngay cả thầy dạy cũng không tự tin giao tiếp.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Lễ kỷ niệm

"Thật đau lòng. Như vậy, có thể nói ở nơi đó, nhà trường đã thất bại trong việc dạy ngoại ngữ cho học sinh. Hiện có những nơi chỉ chú ý dạy ngữ pháp cho học sinh mà không luyện các kỹ năng cần thiết", Phó Chủ tịch nhận xét.

Theo Phó Chủ tịch, ngôn ngữ là cầu nối con người với con người, đồng thời cũng là cầu nối các quốc gia, dân tộc với nhau. Vì thế, để phát triển thì ngoại ngữ phải đi trước một bước và đi đúng hướng, nó được ví như chìa khoá hội nhập.

"Sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN gắn liền với quá trình hình thành, phát triển hệ thống giáo dục đại học. Đặc biệt, từ khi đất nước đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và quốc tế, ngoại ngữ là công cụ quan trọng bậc nhất không thể thiếu để giao lưu, phát triển quan hệ đối ngoại, hợp tác. Vai trò của Trường Đại học Ngoại ngữ ngày càng quan trọng, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước theo chuẩn quốc tế và cũng là nơi chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai của đất nước thông qua hệ giáo dục Trung học phổ thông chuyên ngữ".


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. “Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Nhà trường được nhận hôm nay là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với quá trình cống hiến, phấn đấu của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên, học sinh và sinh viên của trường suốt 60 năm qua”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan nói.

Phó Chủ tịch cũng căn dặn rằng: Cùng với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã, đang và sẽ có một vị thế quan trọng trong tiến trình xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, nhà trường cần nắm lấy cơ hội này để đổi mới, phát triển hơn.

Cần giảm thiểu sự chồng chéo trong đào tạo

Phó Chủ tịch nhấn mạnh, trong thời gian tới, trường cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục về Chiến lược giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà trường cần tiếp tục quan tâm đổi mới chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo hướng tăng năng lực thực hành và các kỹ năng của sinh viên. Chất lượng người thầy phải được nâng lên hơn nữa; cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện dạy và học phải được hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, Trường cần thực hiện tốt việc giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát, đánh giá chất lượng, năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục hiện nay để đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

“Nhân dịp này, tôi đề nghị đồng chí Giám đốc ĐHQGHN cần quan tâm hơn nữa đến Đại học Ngoại ngữ. ĐHQGHN cần nghiên cứu để giảm thiểu sự chồng chéo, đảm bảo sự liên thông, phù hợp với chuẩn quốc tế trong đào tạo. Đây là công việc nhằm nâng cao chất lượng và chống lãng phí trong đào tạo. Đặc biệt cần tập trung nghiên cứu để tăng tính thực tiễn trong đào tạo ở tất cả các ngành học. Đề nghị ĐHQGHN đi đầu trong việc quan tâm đến đầu ra của Nhà trường; kiên quyết không để tình trạng phải đào tạo cơ bản lại ngay sau khi sinh viên ra trường thì mới sử dụng được”.


Rất đông cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN về dự hội nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Rất đông cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN về dự hội nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN trước đây là Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, tiền thân là Trường Ngoại ngữ, được thành lập ngày 7/11 /1955. Qua 60 năm phát triển, đến nay trường có 22 ngành đào tạo đại học và 10 ngành đào tạo sau đại học (thạc sĩ) và 8 ngành đào tạo tiến sĩ. Trường đang đào tạo 600 nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, 4.700 sinh viên hệ chính quy, 1.400 học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ, gần 100 lưu học sinh nước ngoài.

Trường có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đứng đầu trong ngành Ngoại ngữ trên cả nước với 564 giảng viên; trong đó có 2 Giáo sư, 22 Phó Giáo sư, 91 Tiến sĩ và 313 Thạc sĩ. Hàng năm, trường thu hút khoảng 25 đến 30 giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến công tác lâu dài hay thỉnh giảng tại trường.

Trường đang được Đề án 2020 giao trọng trách cùng xây dựng năng lực khảo thí ngoại ngữ quốc gia, nhất là thông qua việc thiết kế, đưa vào sử dụng định dạng đánh giá từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung Năng lực Ngoại ngữ cho Việt Nam.

Nguyên An