Học ngoại ngữ từ 3 tuổi hay lớp 3?

Việc thay đổi chương trình học ngoại ngữ bắt đầu từ lớp 3 thay vì lớp 1 đã gây nhiều tranh cãi. Ngày 2 và 3/6 tại HN, hội thảo "Giảng dạy tiếng Anh ở bậc Tiểu học" do Hội đồng Anh và Bộ GD-ĐT tổ chức, lại tiếp tục "mổ xẻ" vấn đề dạy ngoại ngữ ở bậc Tiểu học.

Tiến sĩ Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chương trình Giáo dục đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những vấn đề đặt ra.

 

Thưa ông, vấn đề nên cho học sinh (HS) học tiếng Anh ở độ tuổi nào thì phù hợp đang có nhiều quan điểm trái ngược. Ông có đồng tình với đề xuất càng cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm càng tốt?

 

Về nguyên tắc, trẻ em càng có thời gian học nhiều càng tốt. Tuy nhiên, dạy các em từ lúc nào thì tốt và bắt đầu từ lớp mấy sẽ hiệu quả hơn... thì chưa có công trình nào đưa ra kết quả chính thức. Trong đề án trình Bộ GD - ĐT, chúng tôi có đề xuất một lộ trình học ngoại ngữ đến năm 2010. Trong đó, khối lượng kiến thức quy định học hết phổ thông đủ trang bị cho các em ra đời có thể giao tiếp được. Để đạt một trình độ nhất định như vậy chúng tôi phải thiết kế khối lượng chương trình đạt bao nhiêu tiết.

 

Nói như vậy thì việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học hiện nay là "tự phát' và chưa có "khung" quy định cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng giảng dạy không hiệu quả đã có nguyên nhân?

 

Hiện nay, tổng số tiết học Ngoại ngữ của chương trình hệ 7 năm là 700 tiết. Nếu Bộ GD - ĐT đồng ý chấp nhận phương án của chúng tôi đề xuất thì: THPT sẽ có 4 tiết ngoại ngữ/ tuần; THCS 3 tiết/ tuần. Điều này ý nói môn ngoại ngữ đã được xếp ngang như môn Toán, Văn... Cho nên lượng học tăng hơn nữa cho bậc học này thì chưa thể. 

 

Để đạt một trình độ kiến thức nhất định, cần dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Và khi thiết kế học ngoại ngữ ở Tiểu học thì bắt đầu từ lớp 3 và học với thời lượng 2 tiết/ tuần. Tổng thời lượng dạy ngoại ngữ cho các em đến hết phổ thông là 1.050 tiết.

 

Hiện nay, môn tiếng Anh ở bậc tiểu học được học tự chọn với 2 tiết/ tuần. Vì học môn tự chọn thì gia đình phải đóng góp nên có tỉnh được phụ huynh và học sinh hưởng ứng rất nhiều, nhưng cũng nhiều tỉnh có tỷ lệ theo học ít.

 

Trẻ học ở trường mầm non Sunrise Kids được tiếp cận ngoại ngữ trong chương trình học

Điểm yếu của chương trình tự chọn là không nối với chương trình học ngoại ngữ chính thức. Ví dụ: HS học hết ba năm lớp 3, 4, 5 ngoại ngữ bậc tiểu học đến khi vào chương trình chính thức bắt đầu từ lớp 6 thì lại bắt đầu học lại từ đầu. Đây là một sự lãng phí lớn...

 

Theo ông, tại sao lại dạy ngoại ngữ từ lớp 3?

 

Cơ bản là phải đảm bảo số lượng là 1050 tiết cho cả giai đoạn học phổ thông để đạt được trình độ mà các nhà thiết kế chương trình mong muốn. Tuy nhiên, lượng giờ học ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất thế giới. Tôi lấy ví dụ: học sinh Việt Nam học 3 tiếng/ ngày, 35 tuần/ năm - như vậy chỉ bằng hơn 1/2 chuẩn quốc tế hiện nay.

 

Có ý kiến cho rằng, đưa môn ngoại ngữ vào bậc tiểu học bắt đầu từ lớp 3 vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên Tiểu học hiện nay chưa sẵn sàng trong việc dạy ngoại ngữ?

 

Quản lý giáo dục ở ta tương đối tập trung. Cho nên các trường chấp hành nhiều khi rất là máy móc các yêu cầu từ phía trên. Khi đưa các môn học tự chọn để giảng dạy thì có thể người ta cảm thấy không quan trọng. Và không quan trọng thì sự đầu tư dè dặt...

 

Mặt khác, Nhà nước hiện chưa có đầu tư một cách chính thức cho các môn học tự chọn. Do đó, các trường đưa môn tự chọn giảng dạy dựa trên sự đóng góp của phụ huynh để mời giáo viên.

 

Và giáo viên Tiểu học hiện chưa sẵn sàng trong việc dạy ngoại ngữ là hoàn toàn đúng. Vì từ trước đến nay ta chưa có sự chuẩn bị, và đội ngũ giảng dạy ngoại ngữ hiện nay chủ yếu là "chắp vá" thỉnh giảng. Hiện nay giáo viên Tiểu học thường phải đảm nhận tất cả các môn nên chưa có giáo viên chuyên về tiếng Anh. Cho nên, nếu để 2008, 2010 có giáo viên dạy ngoại ngữ thì 2006 phải bắt đầu có chương trình.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Theo Kiều Oanh

Vietnamnet