Học phí các trường kỹ thuật sẽ cao hơn khối xã hội!

(Dân trí) - "Với những trường khối kỹ thuật, y khoa, nông nghiệp, lâm nghiệp… học phí sẽ phải cao hơn các ngành khối xã hội nhân văn, vì các trường khối kỹ thuật đào tạo tốn kém, cần nhiều phòng thực hành, thí nghiệm hơn…".

Ông Nguyễn Đình Hương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã cho biết vậy.

 

Thưa ông, tại sao lại tăng học phí trong thời điểm này?

 

Học phí phản ánh một phần nào đấy chất lượng đào tạo vì muốn đào tạo có chất lượng thì phải có kinh phí để đào tạo. Nếu tiếp tục giữ mức học phí hiện nay đã ban hành từ năm 1998 ( hệ ĐH: không quá 1,8 triệu đồng/năm; hệ CĐ: không quá 1,5 triệu đồng/năm; hệ THCN: không quá 1,2 triệu đồng/năm) sẽ không còn phù hợp. Với mức thu này, các trường không thể trang trải kinh phí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, mức thu này áp dụng đã quá lâu, hiện giá cả, tiền lương có nhiều thay đổi nên đề nghị thay đổi khung học phí là hoàn toàn phù hợp.

 

Tiền lương tăng 40% thì dự kiến mức học phí tăng 36%, mức trần là 180.000đ/tháng .

 

Thưa ông, mức học phí sẽ được tăng như thế nào và có chế độ chính sách nào đối  với sinh viên nghèo?

 

Ở Việt Nam tính ra một người đi học ĐH,CĐ mà chỉ có 15USD/tháng là quá thấp. Hiện nay, với đề án tăng học phí đang còn phảI bàn, nhưng có nhiều ý kiến khác nhau như  có ý kiến đề nghị tăng lên 240.000đ/tháng và lại có ý kiến là nên tăng bằng mức lương tối thiểu từ 290.000 -340.000đ/tháng. Nhưng theo tôi, học phí phải đóng theo đúng đối tượng, ngành nghề và theo tuỳ thuộc vào thương hiệu của mỗi trường để có mức thu phù hợp nhưng không vượt quá ngưỡng quy định của luật.

 

Rất khó để nói học phí thu bao nhiêu thì vừa nhưng mức chuẩn là mức phù hợp với điều kiện kinh tế -  xã hội của đất nước và được mọi người chấp nhận. Dù sự chấp nhận này là không đồng đều. 

 

Mục tiêu của nước ta là cả nước trở thành một xã hội học tập, theo đó phải đảm bảo công bằng trong giáo dục đối với mọi người. Riêng học sinh vùng khó khăn mà học giỏi sẽ được tài trợ, giúp đỡ thông qua học bổng từ cộng đồng, từ Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Như vậy, mức học bổng và học phí nên có một mức chung tương đương nhau. Tuỳ thuộc vào mỗi đối tượng mà có mức học bổng phù hợp, có thể bằng 90% mức lương tối thiểu hoặc 50%, 30%.

  

Cùng với việc tăng học phí, liệu các trường có tăng chất lượng?

 

Đi đôi với việc tăng học phí buộc nhà trường, giáo viên phải tăng chất lượng đào tạo chứ kinh phí tăng mà chất lượng không đổi thì rất vô lý.

 

Cũng nên quy định mức học phí cho cả các trường ngoài công lập, thực tế học phí ở các trường dân lập cao hơn học phí ở các trường công lập rất nhiều. Và để điều chỉnh mức học phí ở các trường ngoài công lập cho phù hợp thì Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ nhất định cho các trường Dân lập nhất là về đất đai, cơ sở vật chất, đào tạo, giáo viên… để mức học phí ở các trường này không cao quá.

 

Theo ông mức học phí mới này áp dụng trong bao lâu?

 

Khung học phí chỉ nên áp dụng trong vòng 5 năm, không nên áp dụng dài quá như mức học phí cũ (từ năm 1998) sẽ không hợp với sự phát triển của xã hội. Không chỉ với lĩnh vực giáo dục – đào tạo mà mọi cái thay đổi bao giờ cũng có hiệu ứng xã hội như xăng dầu tăng giá, người dân cũng kêu nhưng phải chấp nhận, nhưng không được tăng quá với mặt bằng chung thì không ổn. Đầu tư cho con người là đầu tư hiệu quả nhất đối với từng gia đình và xã hội mà người Việt Nam vẫn có câu “tiền nào của ấy” và giá thấp thì chất chất lượng không đảm bảo chắc chắn họ sẽ đồng tình.

 

 

Hồng Hạnh