Học phí sẽ tăng theo phương án san sẻ?

(Dân trí) - “Lấy của người giầu chia cho người nghèo” là một trong những giải pháp của Đề án tăng học phí sắp sửa được trình làng. Sự san sẻ này được thực hiện theo hướng tăng học phí nhưng cũng đồng thời tăng số đối tượng được miễn giảm học phí.

Đây cũng là cách mà nhiều người trong ban soạn thảo để án có cùng chung quan điểm.

 

Đã từ 7 năm nay, mức học phí không thay đổi trong các trường ĐH, CĐ và THCN là không quá 1,8 triệu đồng/ năm đối với hệ ĐH; không quá 1,5 triệu đồng/ năm với hệ CĐ và không quá 1,2 triệu đồng/năm với hệ THCN.

 

“Mức học phí này đã không còn phù hợp với mặt bằng giá hiện nay. Nếu tiếp tục giữ mức học phí hiện hành, các trường, đặc biệt là khối ĐH và CĐ không thể trang trải kinh phí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, GS. Nguyễn Đình Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên & nhi đồng Quốc hội khẳng định.

 

Vấn đề tăng học phí  không còn là vấn đề gì quá mới vì đã từ  3 năm nay, các trường đều đã rục rịch muốn tăng học phí. Theo tính toán, mức học phí hiện nay chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí đào tạo thực tế cho một sinh viên. GS Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng trường ĐHSP1  cho biết: “Phải với mức chi cao lên gấp ba lần mới đảm bảo được mức đào tạo chất lượng nhất định, nghĩa là phải thu học phí của sinh viên cao lên gấp ba lần”

 

Cuối năm 2003, ĐH Quốc gia TPHCM đã trình làng phương án tăng gần 100% học phí vào năm 2007 với mức đóng của mỗi sinh viên là khoảng 3,7triệu đồng/ năm. Hiện, tại một số khoa của những trường ĐH lớn như ĐH QGHN hay ĐH Quốc gia TPHCM, mức học phí cũng đã vượt nhiều lần mức trần theo Quy định. Còn tại các trường ĐH Dân lập thì mức thu từ trên 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/năm đã được áp dụng vài ba năm nay.

 

Như vây, tăng học phí rõ ràng không phải là một vấn đề mới nhưng làm thế nào để vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo vừa không đẩy những sinh viên ngheo ra khỏi giảng đường thì lại đang là vấn đề rất “nóng”. GS Đỗ Nguyên Phương, trưởng ban khoa giáo TƯ nnhận xét: “ Về lý, các trường ĐH được quyền tự chủ về tài chính và có thể tăng học phí. Nhưng về tình, trong lúc phụ huynh, học sinh đời sống chưa được cải thiện thì phải thận trọng khi tăng học phí. Tăng học phí thì khó khăn nhất là con em vùng sâu, người nghèo. Vì vậy, khi tăng, đồng thời phải dành một khoản nào đó để ưu tiên cho những người nghèo, người ở vùng sâu. Cũng như ngành y tế thu viện phí nhưng đồng thời cũng phải cấp thẻ miễn phí cho những người khó khăn. Tức là biết thu phí và biết miễn phí; hai cái này phải hài hoà”

 

Hiện nay, Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc học phí có tăng hay không vì Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đang yêu cầu ngành giáo dục lý giải rõ căn cứ để xác định mức sàn và trần của khung học phí điều chỉnh mới và Bộ GD-ĐT cũng phải đưa ra các phương án khác nhau để trình Chính phủ.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ thì việc tăng học phí đã là chuyện khó có thể tiếp tục lùi lại. Dù vậy, tăng học phí chắc chắn sẽ không thể gây sốc khi có sự điều chỉnh từ phía Chính phủ. Mức điều chỉnh này, theo đề xuất GS Nguyễn Đình Hương sẽ là “tăng một cách hợp lý giữa các ngành chứ không tăng đồng loạt và mức trần sẽ không quá cao so với mức hiện hành.

 

Song song với việc tăng học phí sẽ tăng mức học bổng, mở rộng đối tượng nhận học bổng. Trong số học sinh đang học ĐH, có rất nhiều con em nông dân, đối tượng chính sách. Số này theo thu nhập bình quân của nước ta thì khả năng trang trải học phí là hết sức khó khăn, cho nên cần được quan tâm bằng cách phải có chính sách tăng học bổng cho các em”.

 

 

Mai Minh