Học phí tăng, cơ hội học giảm?

(Dân trí)- Tăng học phí là bài toán khó trong việc hoàn thiện giữa chất lượng giảng dạy và cơ hội của người học. Năm 2006, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, là năm mà việc tăng học phí không thể trì hoãn thêm. Liệu chất lượng giảng dạy và cơ hội của người học có song hành cùng nhau?

Mức học phí tăng trong năm 2006, theo thông tin của những thành viên trong ban soạn thảo Đề án là khoảng 70.000đ/ tháng. Mỗi sinh viên nếu trước kia phải đóng 180.000đ thì sắp tới sẽ là 250.000đ. Một con số được xem là chấp nhận được trong tình hình trượt giá của hai năm nay đều tăng đáng kể: năm 2004 tăng gần 10% và trong 9 tháng của năm 2005 tăng gần 7%.

 

Tăng học phí gần như đã là chuyện đảm bảo “sinh mệnh” cho các trường ĐH vì hầu hết các trường ĐH đều chung một nhận định, nếu không tăng học phí thì các trường khó có thể tồn tại và phát triển được! Hiện tại thì quỹ học phí của các trường phải chi trả phần lớn cho…lương, việc đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập hầu như không có!

 

Còn về cơ hội học của sinh viên thì sao? Trung bình tổng chi phí mà một sinh viên phải trả mỗi tháng: 180.000đ/tháng học phí + 500.000đ (tiền ăn và các chi phí khác với mức chi tiền ăn mỗi ngày được tính theo mặt bằng chung là 10.000đ/ngày) + 100.000 tiền nơi ở (đối với sinh viên ngoại tỉnh) = 780.000đ/tháng. Con số về tổng chi này đã duy trì trong nhiều năm nay.

 

Khi so sánh với mức “phải trả” của phụ huynh cho mỗi một “đầu” sinh viên với mức lương tối thiểu của họ 350.000 đ /tháng ( và là 290.000đ/tháng của năm 2004, 210.000đ/ tháng của năm 2003; nếu so sánh với mức thu nhập của những phụ huynh đơn thuần là nghề nông, con số còn thấp hơn nhiều. Các thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, số sinh viên thuộc khu vực II nông thôn thường chiếm khoảng 60% trong tổng số sinh viên- tức là có khoảng cũng gần 60% số này có bố mẹ làm nông nghiệp) thì rõ ràng, sẽ có rất nhiều sinh viên phải từ bỏ giảng đường vì cha mẹ của họ không thể gánh nổi!

 

Tuy nhiên, thực tế, số sinh viên buộc phải ra đi vì điều này lại chỉ chiếm một con số không nhiều! Theo báo cáo về tình hình tân sinh viên nhập học của các trường ĐH gửi về Bộ  hàng năm, số sinh viên rơi rụng ở các trường chỉ nằm trong con số trên dưới 10% và sự rơi rụng này chủ yếu do các nguyên nhân như tìm được trường mới ưng ý hơn hay không theo kịp được chương trình nên buộc phải bỏ.

 

Ông Vũ Đức Bình, Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I cho biết: mỗi năm trường cũng có khoảng 10-15% số sinh viên bỏ học và phần lớn số sinh viên này bỏ vì đã chọn được trường khác ưng ý hơn!

 

ĐH Nông nghiệp I là một trong những trường đặc trưng bởi “mầu sắc” nhà nông khi có tới trên 80% số sinh viên trong trường thuộc con em nông dân- những sinh viên có cha mẹ thu nhập khó đạt mức 4 triệu/ năm, ấy thế mà trường này lại cũng là trường có số sinh viên bỏ học sau một năm học cũng vào một trong những loại nhiều nhất. Điều này cũng có nghĩa, dù thu nhập không thể nuôi nổi một sinh viên (khi tính toán trên lý thuyết) nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng không tiếc số tiền còn nhiều hơn cả thu nhập của họ khi cho con đi học một năm vô ích! Vậy, vấn đề học phí trong tình huống này còn có ý nghĩa gì?

 

 

Châu Bi