Học phí tăng, sinh viên lao đao

(Dân trí) - Bước vào năm học mới, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đồng loạt tăng mức học phí. Đã thế nhiều trường còn thu luôn học phí cả năm cùng với đủ thứ khoản thu khác khiến nhiều tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn càng thêm chật vật.

Thu học phí như huy động vốn

Năm nay, ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu mức học phí khá cao thế nhưng trường lại ra quy định sinh viên năm 1 buộc phải đóng trước học phí cả năm. Nhiều sinh viên cho biết phải xoay sở khá chật vật để có đủ tiền đóng học phí. Em Đ.T.M, tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh cho biết: “Ở nhà mẹ em làm ruộng nhưng cũng phải cố cho em 11 triệu đồng đóng học phí vì họ bắt đóng cả năm. Học phí cao nhưng cũng phải cố học, em dự định tự đi làm để đỡ phần tiền cho mẹ”.

Tương tự, ông Trần Văn Đúng, ở quận 12, làm thủ tục nhập học cho con vừa trúng tuyển trường này cho hay đã phải vay mượn để có gần 9 triệu đồng đóng học phí.  Ông Đúng chia sẻ: “Con mình đậu thì phải cố gắng mà lo chứ biết phải làm sao bây giờ. Cũng phải chạy đi vay mượn để đóng 1 lần chứ đóng 2 lần nhà trường không cho. Mới vào học mà đã bắt đóng một lần thì cũng khó khăn, vì còn phải đóng bảo hiểm rồi thêm bao thứ lặt vặt, phát sinh khác nữa”.

Thêm nữa, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng có “chiêu” thí sinh đến nhập học đóng tiền sẽ được quà. Tuy nhiên niềm vui không được kéo dài ngược lại phụ huynh và tân sinh viên đều “té ngửa” vì bị yêu cầu phải đóng thêm hơn 200.000 đồng đồng phục mà không được thông báo trước. Em Đ. T. M cho biết rất bất ngờ vì phải đóng thêm 208.000 đồng, khi em hỏi thì mới được giải thích đó là tiền mua đồng phục (gồm 1 quần và 1 áo thun thể dục). Tương tự, phụ huynh em T. Q.K cũng ngao ngán khi phải móc túi đóng thêm 270.000 đồng để mua đồng phục nam cho con. Còn món quà mà các sinh viên nhận được chỉ là chiếc nón bảo hiểm mang logo ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Học phí tăng, sinh viên lao đao - 1
Sinh viên của một trường ngoài công lập làm thủ tục nhập học đầu năm.

Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM lại có “mánh” thu tiền học phí khá lạ. Trường này thông báo học phí được thu 2 lần ở 2 học kỳ, nhưng nếu đóng trước luôn học phí cả năm thì được giảm... 200 nghìn đồng. Tuy được đóng 2 lần học phí trong năm nhưng các tân sinh viên đều “méo mặt” với số tiền bắt buộc đợt 1 là 8 triệu đồng. Em Q.T.M.Đ, tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh trường này, bức xúc vì học phí năm đầu tiên được thông báo là 13.200.000 đồng, nhưng học kỳ 1 lại đến 8.000.000đ. “Trường còn thông báo rằng nếu bạn nào đóng trọn học phí cả năm thì được giảm 200.000đ. Chỉ tiền học kỳ 1 thôi đã “chật vật” rồi. Em cứ tưởng chia làm 2 đợt thì phải đóng khoảng 6 triệu đồng thôi. Nếu đóng luôn là 13,2 triệu đồng mà chỉ giảm được có 200 nghìn đồng thì cũng chẳng được lợi nhiều”.

Ngoài học phí, sinh viên còn phải đóng các khoản phụ thu khác ngoài bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn như: lệ phí nhập học, thi kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào, phí kiểm tra sức khoẻ, đồng phục thể dục, áo sơ mi, tiền câu lạc bộ... Các khoản này không nhỏ và chênh lệch ở các trường khá cao.

Chỉ tính riêng lệ phí nhập học thôi thì mỗi trường lại thu giá khác nhau, như: ĐH Văn Hiến thu 100 nghìn đồng lệ phí nhập học, ĐH Ngoại ngữ tin học thu 110 nghìn đồng, trong khi đó ĐH Văn Lang thu 150 nghìn đồng, ĐH Hùng Vương đến 200 nghìn đồng... Thật lạ là phần lệ phí nhập học được giải thích được dùng để làm các loại thẻ, hồ sơ sinh viên, liên lạc với gia đình hằng năm, tổ chức sinh hoạt đầu khóa... nhưng có trường chênh lệch đến cả 100 nghìn đồng.

Học phí tăng, mỗi trường một lý do

Thực tế, vào đầu năm học này, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã công bố mức học phí mới, đa số các trường đều tăng từ 5% - 10% so với năm 2010. Một số trường tuy đã công bố mức học phí nhưng việc thu thực tế lại cao hơn. Như ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 (NĐCBVTS) rằng hệ ĐH học phí trung bình 8.980.000 đồng/năm trừ các ngành Kiến trúc: gần 13 triệu đồng/năm; ngành Kỹ thuật Y, Điều dưỡng đa khoa gần 15 triệu đồng/năm. Thế nhưng thực tế mức thu các ngành lại dao động từ mức 9  đến 11 triệu đồng/năm (trừ 3 ngành Kiến trúc, Kỹ thuật Y, Điều dưỡng vẫn như thông báo).

Tương tự, ĐH Văn Hiến trong cuốn NĐCBVTS ghi rõ rằng mức học phí ĐH: 3,3 - 3,7 triệu đồng/học kỳ và CĐ: 3,2 - 3,4 triệu đồng/ học kỳ. Tuy nhiên, mức thu thực tế các ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử và truyền thông là  5 triệu đồng/học kỳ, các ngành còn lại 4,5 triệu/học kỳ.

Bên cạnh một số trường ngoài công lập mức học phí tăng một vài triệu đồng thì cũng có trường mức tăng hơn 10 triệu đồng. Như ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM từ mức học phí 55 triệu đồng/năm tăng lên thành 69 triệu đồng/năm, chưa bao gồm học phí tiếng Anh. ĐH Hoa Sen thì từ 19 - 22,5 triệu đồng/năm (2010) lên mức 30 - 33 triệu đồng/năm (2011). Đặc biệt như ĐH Quốc tế Sài Gòn cao hơn năm ngoái đến 14,5 triệu đồng ở chương trình dạy bằng tiếng Anh. Cụ thế nếu học chương trình dạy bằng tiếng Việt thì học phí 41,8 - 48 triệu đồng/năm (tăng hơn năm 2010 từ 4,8 - 6,5 triệu đồng); chương trình dạy bằng tiếng Anh mức học phí từ 108 - 119 triệu đồng/năm (cao hơn năm ngoái từ 11,8 - 14,5 triệu đồng).

Còn ĐH Hùng Vương thì mức học phí năm nay tăng hơn năm 2010 tới 4 triệu đồng; ĐH Ngoại ngữ Tin học tăng gần 2 triệu đồng. ĐH Văn Lang vốn có tiếng về mức học phí ổn định thì năm nay cũng tăng.

Nguyên nhân tăng học phí được nhiều trường đưa ra lý do tình hình kinh tế khó khăn, thêm vào đó để tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy. Ths Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Văn Lang, cho biết:“ Học phí có tăng hơn từ 10 -13% tuỳ ngành, nhưng thường thường là tăng ở các ngành kỹ thuật, học phí đóng theo từng học kỳ và không thay đối trong suốt khoá học”.

Ông Tuấn lý giải rằng: “Việc tăng học phí nhằm tăng chi phí đào tạo, chi phí giảng dạy, thù lao cho giảng viên; thứ hai là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo chất lượng chỗ học cho sinh viên. Trường đang dự định xây thêm một tầng mới ở cơ sở 2 (Bình Thạnh) và trang bị thiết bị học hiện đại cho sinh viên”.

Đó cũng là lý do tăng học phí mà PGS.TS Lê Văn Lý, Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương, đưa ra. Ông Lý cũng cho rằng việc lương giảng viên tăng 20% trong khi học phí chỉ tăng 10% thì các trường vẫn khó khăn. Theo lời ông Lý, trường tăng học phí vì cơ sở vật chất của trường được trang bị hiện đại hơn, phần lớn các phòng học có máy lạnh và trang bị đầy đủ hơn. Đặc biệt các phòng học máy lạnh có nâng lên 1000/tiết do đó có cao hơn 10%. Thứ nữa là biên soạn giáo trình của các thầy giảng dạy cũng yêu cầu cao hơn và mời những thầy cô có chất lượng hơn nên tăng thù lao lên 10 -15%. Vì vậy việc thu học phí cũng phải tăng lên.

Quả thật với mọi lý do thì chỉ có những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lại thêm lao đao khi bước vào năm học mới.

Thụy An