Học phí thấp, không thể nâng chất giáo dục ĐH

(Dân trí) - Học phí ĐH đã trở thành vấn đề nóng đến mức trong cuộc họp Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2008 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua 9/1, trường nào cũng phải than vì học phí quá thấp.

Thị trường liên tục trượt giá, sao khung học phí phải giữ?

“Tại sao trong 10, 15 năm qua, tình trạng trượt giá liên tục diễn ra, trong khi mức học phí vẫn cứ giữ nguyên khung cao nhất chỉ có 180.000 đ/tháng?” - PGS Trần Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) bức xúc.

PGS Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh thì bày tỏ: “Cần phải thay đổi tư tưởng ấy, tìm ra hướng mới trong việc thu học phí bởi có một bộ phận sinh viên muốn đầu tư cao nhưng vì khung học phí quy định, họ bị buộc phải chạy theo những sinh viên đóng học phí thấp. Kết quả là họ cũng chỉ nhận được một chất lượng đào tạo thấp”.

GS Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng trường ĐH Đà Nẵng khẳng định: “Đối với các trường ĐH công lập, nếu học phí không tăng gấp hai hoặc ba lần hiện nay thì kinh phí Nhà nước cấp phải tăng thêm 55% mới đủ cho trường hoạt động”.

Còn GS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng thì cảnh báo nếu không có cuộc cách mạng về nguồn thu thì sẽ mất dần nguồn nhân lực!

Tăng học phí không phải là vấn đề mà Bộ GD-ĐT không muốn. Tuy nhiên, với những rào cản từ dư luận, đề án điều chỉnh khung học phí thế nào đã chưa thể được công bố chính thức, mặc dù nó đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay.

Cám cảnh đào tạo ĐH

Học phí ĐH 10 năm nay không được phép thay đổi, ngoài việc chất lượng đào tạo không được đảm bảo còn là điều kiện học tập của sinh viên cũng lâm vào cảnh tồi tàn không kém. Ngay như tại một trường ĐH hàng đầu hiện nay như ĐH Ngoại thương, sinh viên luôn phải than thở vì phòng ốc chật hẹp.

Bản tổng hợp ý kiến phản ánh của sinh viên lên Ban Giám hiệu nhà trường trong năm học vừa qua, nhiều sinh viên đã phải kêu lên: Phòng học nhỏ, bẩn, nhà vệ sinh bẩn; Rất khổ cho những lớp học cạnh nhà WC ở nhà B và G vì mùi hôi ảnh hưởng…

Rồi có sinh viên kêu: “Mặc dù chúng em có thể góp tiền đòng trả tiền điều hoà để được hưởng một không khí học tập mát mẻ nhưng cả 3 năm nay, các phòng học có điều hoà hình như chưa bao giờ bật”.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, một loạt trường ĐH phải hoạt động trong điều kiện quá chật chội và cơ sở vật chất yếu kém. Trong số 284 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc có 27 trường có diện tích nhỏ hơn 1ha; 27 trường này có 56.557 sinh viên, bình quân mỗi sinh viên chỉ có 2,67m2 cho học tập, nghiên cứu, vui chơi.

Thậm chí có những trường như ĐHDL Ngoại ngữ - tin học TPHCM chỉ có 0,3ha; ĐHBC Tôn Đức Thắng 0,35ha; Nhạc viện TPHCM 0,35ha; Viện ĐH Mở Hà Nội 0,37ha; ĐHDL Hùng Vương 0,4ha. Diện tích bình quân cho một sinh viên của 5 trường này là 0,6m2!

3 điều kiện tối thiểu để tăng học phí

Hiện nay, ngân sách dành cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 16,2% ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng hơn một nửa so với kinh phí dành cho bậc Tiểu học (27,4%). Đó là một nghịch lý vì thời điểm này chính là thời điểm rất bức bách đối với yêu cầu phải phát triển một nền kinh tế cần có nhân lực trình độ cao.

Tuy nhiên, ngành giáo dục không thể cắt ngân sách chi cho giáo dục ở bậc Tiểu học để đầu tư thêm cho ĐH vì mục tiêu phổ cập Tiểu học luôn phải đặt lên hàng đầu.

Do đó, chỉ còn cách tăng thu cho các trường ĐH thông qua “con đường” học phí. Học phí tăng cũng là một cách để “nuôi” chất lượng trong đào tạo của các trường ĐH hiện nay, nếu cứ bắt các trường phải “cố” đào tạo với mức giá quá “rẻ” so với mức giá biến động chung thì cũng chính là bắt họ phải “liệu cơm gắp mắm” và người gánh chịu hậu quả trước mắt không ai khác chính là người học.

Tỏ ra khá dè dặt và thận trọng trước vấn đề tăng học phí ĐH, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng học phí mới được xây dựng trên quan điểm: Trường chất lượng cao được thu tiền cao. Để đảm bảo chi thường xuyên cho đào tạo, học phí sẽ là khoảng 400.000 đồng/tháng/sinh viên.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chỉ ra 3 điều kiện tối thiểu nếu muốn tăng học phí. Đó là: Những trường có chất lượng cao thì sẽ được thu học phí cao hơn. Bộ sẽ tiến hành kiểm định chất lượng để phân loại các trường. Các trường phải vươn lên đạt chất lượng cao thì mới có thể thu học phí ở mức tương xứng.

Về phần mình, Bộ GD-ĐT phải tiếp tục làm rõ hơn hiện trạng thu chi và sử dụng nguồn tài chính của giáo dục, làm rõ những yếu kém trong quản lý tài chính dẫn đến lãng phí, sử dụng kém hiệu quả nguồn tài chính cho giáo dục.

Điều kiện tối thiểu thứ 3 là việc tăng học phí chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành tốt khâu cho sinh viên vay vốn học tập.

Mai Minh