Học quá hóa tâm thần

Cha mẹ ép con phải học giỏi, không cần biết khả năng của trẻ. Chương trình học quá nặng. Học vì thành tích, vì hào quang của ai đó. Học không còn giờ để ngủ, để chơi...

Kiểu học bất bình thường đó tạo ra căng thẳng kéo dài, khiến học sinh dễ rối loạn tâm lý hoặc tâm thần.

Minh T. học lớp 9 ở một trường chuyên, cha là kỹ sư, mẹ là giảng viên đại học. Cha mẹ em ra chỉ tiêu ngay từ đầu năm là bắt buộc lên lớp 10 em phải vào trường chuyên. Sau một thời gian, Thư than nhức đầu, trằn trọc khó ngủ. Đi học về hay cáu gắt, gây gổ với em, quên tập vở, học bài tốn nhiều thời gian hơn trước nhưng học thuộc rồi vào lớp lại quên...

Gia đình và nhà trường không đồng ý tình trạng này; cha mẹ la rầy, đánh; còn nhà trường cũng không chịu vì sợ ảnh hưởng kết quả học tập chung. Em nhức đầu thường xuyên hơn, có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, than phiền là không có khả năng học nữa. Gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa, bác sĩ cho chụp X-quang phổi, siêu âm tim, làm đủ thứ xét nghiệm, cho thuốc nhưng không cải thiện được. Đến lúc tình trạng buồn rầu khóc lóc xảy ra thường xuyên và em có ý tưởng muốn chết thì cha mẹ mới đưa đến phòng khám tâm thần. Hỏi thăm, các bác sĩ càng “tá hỏa” khi em bị áp lực cả về điểm số, cha em không đồng ý điểm 5 hoặc dưới 5, không chấp nhận học kiểu “trung bình chủ nghĩa”.

Sau điều trị, em ổn định: ăn uống lại, ngủ được, hết nhức đầu, vui vẻ trở lại... nhưng vào kỳ thi hơi căng là tái xuất hiện các triệu chứng cũ.

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho rằng hiện nay nhiều em học không có thời gian nghỉ ngơi, thiếu thời gian để ngủ trong khi giấc ngủ rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Các cuộc thi để lấy thành tích chung đã tạo sức ép tâm lý trên học sinh rất nặng, nếu áp lực tâm lý kéo dài, căng thẳng càng kéo dài thì chắc chắn đưa đến những rối loạn tâm lý hoặc về mặt tâm thần.

Đã có trường hợp loạn thần cấp: em gái Mai Thanh Ng. nhà ở Tân Bình, TPHCM, học lớp 9, áp lực bài vở cuối năm làm cho em rơi vào tình trạng thời gian đầu khó ngủ sau mất ngủ hoàn toàn, thức trắng đêm, la hét, khóc cười vô cớ, nói lung tung. Rồi có hành vi bất thường: từng lúc nhảy múa, quỳ lạy cầu nguyện giữa sân.

Em kể với bác sĩ là nhiều lúc có nghe tiếng thày cô chửi bới, bạn bè chê bai nên mỗi lần như vậy rất bực bội và đập phá. Lý do gia đình đưa đi khám là đập phá, đánh người thân. Sau ba tuần điều trị có cải thiện các triệu chứng và đến nay (lớp 11), em vẫn tiếp tục được theo dõi.

Về nguyên nhân và lứa tuổi, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp phân tích: gặp ở cả cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Tuổi có thể gặp thường tập trung vào những năm đầu tiên học lớp 1, đầu cấp trung học cơ sở (lớp 6) hoặc cuối cấp (lớp 9). Năm đầu cấp do chưa thích nghi được với môi trường học, năm cuối cấp do áp lực thi cử.

Áp lực bài vở, chương trình học quá tải... đối với những trẻ khác thấy bình thường, nhưng nặng nề với trẻ tự mang trách nhiệm mình phải học đạt thế này, thế kia (trường chuyên, trường điểm thì đe nẹt, còn gia đình thì tạo hào quang tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp).

Áp lực chương trình học có lẽ khó thay đổi được, nhưng bản thân gia đình cần đánh giá đúng thực lực con em mình, đặt yêu cầu vừa phải chứ không đặt vượt khả năng. Cần khuyến khích, động viên trẻ chứ không tạo áp lực. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu khởi đầu như các trường hợp nêu trên, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần và có lắng nghe, hợp tác với bác sĩ điều trị kết quả mới tốt.

Thời gian điều trị phải từ vài tuần đến một năm hoặc hơn nữa tùy thuộc sự hợp tác của gia đình và nhà trường. Sự phối hợp của nhà trường là điểm quan trọng, làm sao tác động lên trẻ để dần dần thay đổi về nhận thức trong học tập, tháo bỏ áp lực tự trẻ đặt ra cho chính mình.

Theo Tuổi Trẻ