Học sinh bỏ học - đáp số của bệnh thành tích

(Dân trí) - Cuộc vận động "Hai không" là một sáng kiến của ngành giáo dục trong việc "Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Chính vì lẽ đó nên nó đã được xã hội đồng tình, hoan nghênh.

Song con số 15 ngàn học sinh bỏ học trong thời gian qua cũng đã gây nên sự phản ứng trong xã hội với nhiều ý kiến khác nhau: Tích cực có, tiêu cực có, bình tĩnh có, nôn nóng có, thậm chí đổ lỗi cho "Hai không" cũng có. Cũng là lẽ đương nhiên thôi, vì mỗi người đứng ở mỗi vị trí khác nhau.

Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng đây không phải là sự đột biến, cũng không phải là "do hơi quá đà trong việc thực hiện cuộc vận động", mà chính là đáp số của bệnh thành tích trong giáo dục, đáp số của cuộc trắc nghiệm lớn về thực chất việc dạy và học trong những năm qua, và là cơ sở ra đời của cuộc vận động "Hai không". Đau lòng thật, nhưng như thế có lẽ còn hữu ích hơn là hỉ hả với thế hệ công dân tương lai với những bằng cấp "hữu danh, vô thực".

Tôi nghĩ, trong số 15 ngàn học sinh bỏ học, sẽ không thể có cùng một lý do, mà thường tập trung ở mấy loại: một là số học sinh ham học nhưng học lực quá yếu; hai là số học sinh ham học và học tốt nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và ba là số học sinh ham chơi chán học, đến trường chỉ là bắt buộc, là đối phó với gia đình, nay trước yêu cầu mới của nhà trường đã không trụ nổi. Ngoài số này, tôi tin là không thể có chuyện học sinh ngoan, ham học, học tốt mà lại bỏ học, nhất là lại bỏ học vì "Hai không".

Có mấy nguyên nhân khách quan chủ yếu: Với nhà trường là do nể nang, chạy theo thành tích, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, phương châm "Tiên học lễ, hậu học văn" không thực sự được coi trọng, quan tâm; đạo đức thầy cô chỗ này, chỗ nọ bị xuống cấp...
 
Với gia đình thì phần lớn đều có sự quan tâm đến việc học hành của con cháu, nhưng lại buông lỏng, thiếu sự quản lý, giáo dục, nuông chiều, phó thác con cho nhà trường, cho xã hội...
 
Với xã hội thì có quá nhiều tiêu cực tác động vào các cháu như: phim, ảnh, sách báo không lành mạnh, không phù hợp, là lối sống buông thả, ăn chơi sa đoạ, sống không có lý tưởng, sống không cần ngày mai, là sự cám dỗ của tệ nạn, là sức hút của các đồ chơi điện tử... đã khiến các cháu sao nhãng, không thiết gì đến việc học hành.

Cuộc vận động "Hai không" là hướng đi đúng và là việc làm cần thiết trong việc thực hiện chiến lược "Chấn hưng và phát triển giáo dục nước nhà". Tôi tin, mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua, mục tiêu của cuộc vận động nhất định sẽ thành công.

Xin mượn lời của tiến sĩ, giáo sư trẻ tuổi Nguyễn Thục Quyên để kết thúc mấy dòng suy nghĩ của mình: "Hãy tin vào bản thân mình và khi bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng để mọi người làm thay đổi ý định đó. Và đặc biệt, đổ lỗi cho người khác sẽ không bao giờ giúp mình tiến lên được".

Trương Văn Hiện
(Thôn Tân Tiến, Phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình)