Bạn đọc viết:

Học sinh bỏ học đi làm sớm: Chỉ thấy cái lợi trước mắt!

(Dân trí) - Sau tết, có không ít học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, khó khăn bỏ học để đến các thành phố lớn làm việc kiếm tiền. Việc làm của các em đôi khi được một số phụ huynh đồng tình. Bởi các em và gia đình chỉ thấy cái lợi trước mắt mà ít khi nghĩ tương lai về sau.

Khi những ngày nghỉ Tết qua đi, ngành giáo dục và các địa phương (nhất là các vùng miền núi, nông thôn, khó khăn…) lại lo lắng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng để theo người thân, bạn bè hoặc đi đến các thành phố lớn để làm việc kiếm tiền. Lý giải cho việc các em bỏ học để đi làm thì có nhiều lí do nhưng nhìn chung có các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về kinh tế, nhiều học sinh gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn lại thiếu ý chí vươn lên. Thêm vào đó, mỗi dịp Tết đến có nhiều người, kể cả người thân trong gia đình đi làm ăn xa trở về. Sau một năm làm ăn vất vả, họ trở về với một ít tiền bạc trong túi, họ tiêu xài thoải mái nên các em và người thân ngộ nhận “đi làm sớm dễ có tương lai hơn đi học” lại có tiền lo cho gia đình.

Thứ hai, do học sinh có lực học yếu kém sau kết quả kiểm tra học kì 1, nảy sinh tâm lí chán nản, không muốn học.

Thứ ba, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ít nhiều gây hoang mang cho các em và phụ huynh. Nên học sinh và thậm chí là phụ huynh sẵn sàng đồng ý để con em mình nghỉ học đi làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình.

Thêm vào đó, sau mỗi dịp Tết thì nhu cầu tuyển dụng lao động nói chung và lao động phổ thông ở các các tỉnh, thành phố phía Nam thường rất lớn. Trong đó có không ít cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tư nhân, thông qua các công nhân của mình trở về quê ăn Tết để tuyển dụng các em lứa tuổi học sinh đi làm, nhằm tiết kiệm chi phí (không phải đóng các loại bảo hiểm theo quy định của luật lao động). Chẳng hạn giới thiệu được sẽ có được một ít tiền.

Tuy nhiên, các em và phụ huynh chỉ vì những nguyên nhân trên mà bỏ học và đồng ý cho con em mình “ra đời, đi làm sớm” thì chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai về sau. Bởi các em còn đang ở lứa tuổi học sinh, chưa đủ tuổi lao động (đối với Tiểu học và THCS) nên không một công ty, xí nghiệp nào dám kí hợp đồng lao động với các em. Như vậy, những quyền lợi mà luật lao động quy định dành cho người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp… các em sẽ không được hưởng. Chẳng may, xảy ra sự cố trong quá trình làm việc thì hậu quả chỉ có các em và gia đình gánh chịu. Thực tế, các em lứa tuổi này nếu bỏ học, chủ yếu đi làm cho tư nhân hoặc người quen qua giới thiệu nên điều kiện, thời gian làm việc không đảm bảo, bị bốc lột sức lao động và thu nhập cũng không cao.

Theo tìm hiểu của người viết qua một số học sinh bỏ học vào làm ở TPHCM, phần lớn các em làm việc trong ngành may mặc, buôn bán… và các em phải làm việc từ 7-8 giờ sáng đến 9-10 giờ tối mới được nghỉ. Theo thỏa thuận với gia đình, các em ít khi được nhận lương, Mỗi tháng sẽ tạm ứng một ít để tiêu. Còn lại bao nhiêu cuối năm người chủ sẽ đưa cho về quê ăn Tết với số tiền cũng không nhiều lắm.

Đối với học sinh đang học THPT mà bỏ giữa chừng (dù đã đủ tuổi lao động) nhưng do các em chưa có nghề nghiệp nên nếu đi làm thì cũng chỉ là làm lao động phổ thông, những công việc giản đơn, thu nhập thấp và thường không ổn định lâu dài. Vì vậy, tương lai cũng bấp bênh không như những người đã qua đào tạo nghề nghiệp.

Việc đi làm để kiếm thu nhập, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình là điều tốt, nên làm. Nhưng đó chỉ dành cho những người lớn, đã được đào tạo, học nghề bài bản, hoàn thành bậc học trung học phổ thông hoặc tối thiểu cũng tốt nghiệp THCS. Còn với lứa tuổi Tiểu học và THCS, các em còn quá nhỏ để vào đời sớm.

Đất nước ngày càng phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần lắm những đội ngũ công nhân lành nghề, có sự hiểu biết để xây dựng, phát triển đất nước. Còn những người chưa được đào tạo nghề nghiệp hoặc tay nghề yếu, qua quá trình sàng lọc của công việc thì sớm muộn cũng bị đào thải.

Cho nên đừng vì cái lợi trước mắt, khi học sinh đã có tay nghề rồi, hãy đi làm, sẽ đảm bảo công việc ôn định, lâu dài hơn cho tương lai về sau.

Quang Châu