Nghệ An:

Học sinh bỏ học ồ ạt vì nghèo đói

Trong lịch sử, chưa bao giờ trên địa bàn Nghệ An, số lượng học sinh bỏ học lại ồ ạt như năm học 2007-2008 này. Học sinh bỏ học chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp...

Thầy Trần Văn Khánh, trưởng phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn buồn rầu cho biết: Học kỳ 1 vừa qua Kỳ Sơn là một trong những huyện có số học sinh bỏ học nhiều nhất tỉnh. Riêng học sinh tiểu học có: 315 em, THCS 500 em, đó là chưa kể học sinh các trường mầm non và THPT, tổng số học sinh bỏ học của huyện Kỳ Sơn trên 1.000 em. Nguyên nhân học sinh bỏ học một phần là do các em bị ở lại lớp, nhưng phần lớn là do hoàn cảnh đói nghèo. Học sinh lớn hơn như cấp 2 và cấp 3 thì phải vào rừng phát nương làm rẫy giúp đỡ gia đình, số học sinh tiểu học và mầm non ở nhà không ai chăm sóc, buộc các em phải theo cha, mẹ lên nương.

Điều đáng nói là học sinh ở vùng Kỳ Sơn có 95% đồng bào dân tộc thiểu số nên chất lượng giáo dục không thể đạt được kết quả như những vùng miền xuôi. Trước thực trạng học sinh bỏ học ồ ạt, ngành giáo dục huyện đã huy động giáo viên đi vào từng thôn bản để vận động các em tới lớp nhưng không hiệu quả. Một thầy giáo dạy trường THCS Bảo Nam cho biết: Sau học kỳ I, thấy các em trong lớp bỏ học nhiều, thầy và các cô giáo bộ môn khác đã đi vào một số bản làng để vận động các em học sinh đến trường. Nhưng vào nhà nào cũng chỉ thấy cửa nhà trống hoác, không có lấy một bóng người, hỏi ra mới biết các em đã theo bố mẹ rời bản làng vào rừng làm rẫy cách đó hàng chục cây số. Trong chuyến ngược rừng về miền biên ải đầu năm nay, chúng tôi gặp không ít học sinh bỏ học, mỗi em đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều buồn nhất đó là phần lớn các em bỏ học không có điều kiện trở lại trường.

Em Lữ Chư Vên (14 tuổi) trú tại xã Bảo Nam tâm sự: Do điều kiện sống xa nhà, từ khi lên học lớp 6, Vên phải rời trường bản để ra trung tâm xã theo học cấp 2. Từ bản nơi em sống ra đến trung tâm xã Bảo Nam nếu trời nắng ráo thì đi bộ mất ngày trời, còn trời mưa gió hay gặp mùa mưa lũ thì không thể đi nổi. Sau nhiều lần hết nguồn viện trợ, em phải bỏ trường về bản lấy "tiếp viện" ra, nhưng bố mẹ phải đi làm rẫy có khi cả tháng trời mới về nhà một bữa nên nhiều hôm em phải ra trường với tay không. Vài ba lần như thế, Vênh đã quyết định bỏ học để vào rừng làm rẫy cùng bố mẹ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, học kỳ 1 vừa qua có gần 12.000 em học sinh trong tỉnh bỏ học, trong đó hơn 9.000 học sinh khối phổ thông và hơn 1.000 học sinh khối bổ túc, đó là chưa kể học sinh mầm non và tiểu học bỏ học.

Không khác mấy so với Kỳ Sơn, huyện miền núi Tương Dương, Quế Phong... có số học sinh bỏ học khá đông. Riêng địa bàn huyện Tương Dương, một số học sinh muốn theo học cấp 3 thì phải ra thị trấn Hòa Bình. Mặc dù mới chỉ là trung tâm của huyện thôi nhưng cách bản làng nơi các em sinh sống cả trăm cây số, có nơi đi thuyền theo đường sông Nậm Nơn từ nhà đến trường mất 2 ngày trời như: Nhôn Mai, Mai Sơn, Luân Mai... Cuộc sống của đồng bào nơi đây hiện đang gặp không ít khó khăn, mới ra tết mà nhiều gia đình không còn lấy một hạt gạo. Điển hình như vùng bản Phồng thuộc xã Tam Hợp hoặc một số bản làng nằm trong thung lũng lòng hồ thuỷ điện bản Vẽ. Những ngày đầu của kỳ nghỉ tết vừa qua, lãnh đạo huyện Tương Dương đã chỉ đạo vận động và hỗ trợ các em học sinh đến trường, đến lớp. Trong đó có cả số học sinh cấp 2 và cấp 3 bị ở lại hoặc bỏ học từ vài năm trước, đều được mời về trung tâm huyện theo học lớp bổ túc và đã có hơn 300 em hiện đang trở lại theo học lớp học này.

Thêm một huyện miền núi có số lượng học sinh bỏ học nhiều lên con số gần 1.000 em là huyện Quế Phong hiện đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của cơn lũ lịch sử hồi tháng mười năm ngoái để lại. Nhiều gia đình cái ăn còn chẳng có thì lấy đâu tiền cho con cái đi học.

Theo Thanh Nhàn
Nông nghiệp Việt Nam