Quảng Nam:

Học sinh Cơtu trổ tài thi nấu ăn chào mừng năm mới

(Dân trí) - Gần 100 học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở huyện Tây Giang (Quảng Nam) vừa tổ chức trổ nghề nấu nướng trong lễ hội “Ăn mừng lúa mới” và “Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống” do huyện Tây Giang tổ chức.

Đây là một trong những hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Cơtu, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho các em sau những giờ học căng thẳng và cũng là sự kiện chào mừng năm mới 2017.

Hội thi được tổ chức ngay tại trường, đông đảo học sinh tham gia
Hội thi được tổ chức ngay tại trường, đông đảo học sinh tham gia

5 giờ sáng, dưới cái lạnh dưới độ 15 độ C ở miền núi Tây Giang, các giáo viên chủ nhiệm cùng với các học sinh tất bật chuẩn bị cho phần thi chế biến ẩm thực truyền thống Cơtu như gói bánh sừng trâu, nướng cơm lam, chế biến các món za rá, cá suối nướng ống, thịt rừng nướng xiêng, hông sả; rồi chuẩn bị cả rượu ba kích, rượu Tr’đin, đẳng sâm, rượu cần... Không khí chuẩn bị tất bật làm cho các em quên đi cái lạnh giá của mùa đông vùng miền núi.

Với đôi bàn tay khéo léo, các "nghệ nhân nhí" đã tạo ra những sản phẩm ẩm thực thơm ngon và vô cùng đẹp mắt với đủ các hương vị, gia vị của núi rừng. Mùi thơm của thịt nướng, cá nướng, cơm lam cứ quyện vào nhau tỏa mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ khiến ai cũng thèm muốn được nếm thử.

Ớt, tiêu rừng, các loại rau rừng, cá khô là những vật liệu không thể thiếu để chuẩn bị nấu
Ớt, tiêu rừng, các loại rau rừng, cá khô là những vật liệu không thể thiếu để chuẩn bị nấu

Em Bling Kha Thị Huyền Giang (học sinh lớp 9/1) nói: “Để tham gia hội thi này, chúng em phải chuẩn bị cả tuần trước, như chặt ống nứa, bắt cá suối, lấy măng, cà tím, tiêu rừng… Phần lớn là nhờ cha mẹ chuẩn bị giúp, còn khâu chế biến chúng em tự làm lấy vì từ nhỏ chúng em đã được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn rồi”.

“Hôm nay, tham gia hội thi em vui lắm, vì tự tay em nấu được những món ăn truyền thống của cha ông mình để lại. Hội thi là dịp để chúng em trổ tài cũng như nhắc nhở giá trị xưa với mâm cơm truyền thống của ông bà”, em Grang hồ hởi nói thêm.

Các em học sinh vui mừng với thành của của mình
Các em học sinh vui mừng với thành của của mình

11h trưa, các món ăn như cơm lam, sắn lam, bánh Acút, thịt nướng ống, món zơ rá... đã được bày ngay ngắn chờ ban giám khảo đến chấm chọn. Ban giám khảo đa số là những giáo viên người Cơtu.

Tiêu chuẩn chấm chọn đưa ra là phải ngon, đẹp và giữ được nét truyền thống. Cô giáo Bh'riu Thị Long - thành viên ban giám khảo cho biết, các món ăn của người Cơtu không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng nấu được. Ví dụ để làm được một ống cơm lam, ống thịt nướng ngon phải chọn tre sao cho không cụt ngọn, tre không non quá cũng không già quá, vì già quá tre không có nước, cơm sẽ khô; còn non quá nuớc nhiều, cơm nhão.

Các món ăn được trung bày một cách đẹp mắt
Các món ăn được trung bày một cách đẹp mắt

Trước khi nấu cơm lam, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào từng ống một, lấy lá chuối non nút lại thật chặt và đặt trên bếp lửa đang cháy to. Ống nứa cần thường xuyên trở qua, trở lại từ lúc bắt đầu sôi lên đến khi chín dần đều. Hay món thịt rừng, cá suối không thể thiếu gia vi tiêu rừng, muối ớt...

Ngoài thi ẩm thực, các em còn tái hiện lễ cúng mừng lúa mới theo phong tục của đồng bào Cơtu kết hợp với múa cồng chiêng và các điệu tung tung za zá làm rộn rã, vang vọng khắp núi rừng Tây Giang. Vũ điệu tung tung za zá gắn bó lâu đời với đồng bào Cơtu, xuất hiện trong các lễ hội lớn của đồng bào nơi đây, không một người Cơtu nào xa lạ với điệu múa này. Nhìn những động tác vừa mạnh mẽ linh hoạt của người con trai hòa quyện với với bước chân uyển chuyển, đôi tay dịu dàng của người con gái trông thật đẹp mắt, thích thú.

​Đội múa tung tung za zá của nhà trường
​Đội múa tung tung za zá của nhà trường

Thầy giáo Alăng Diêu, Phó Hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tây Giang cho biết: “Lễ hội ăn mừng lúa mới là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực được nhà trường tổ chức hàng năm vào đúng dịp thu hoạch lúa trên rẫy của đồng bào Cơtu Tây Giang. Lễ hội góp phần gắn kết dân tộc Cơtu với các dân tộc khác, giúp các em có thêm niềm vui và vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày học tập ở trường. Đồng thời qua hoạt động này, nhắc nhở và giáo dục các em luôn có ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Đây cũng là một hoạt động của năm trong chuỗi phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

C.Bính-Đ.Hiệp