Quảng Ngãi:

Học sinh đồng bằng né môn Sử, miền núi ngại môn Anh

(Dân trí) - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian chốt đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đến hết ngày 7/5. Hiện nay, các trường ở Quảng Ngãi đã chủ động đăng ký môn thi, việc chọn môn thi giữa khu vực miền núi và đồng bằng lại trái ngược hoàn toàn.

Học sinh miền núi “sợ” ngoại ngữ
 
Qua thống kê bước đầu, các trường THPT thuộc khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi đều có số thí sinh chọn môn Anh văn rất thấp. Điển hình như trường THPT Quang Trung (huyện miền núi Sơn Hà) có 260 học sinh khối 12, trong đó đăng ký nhiều nhất là môn Địa lí (131 em) và thấp nhất với môn Ngoại ngữ chỉ có 5 học sinh (tỷ lệ 1,9%).

Tương tự tại Trường THPT Trà Bồng (huyện miền núi Trà Bồng), thí sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp lần lượt gồm môn Hóa học có tỷ lệ 68,53%; Địa lí 56,64%; Vật lí 30,42%; Sinh học 19,58%, Lịch sử 13,64% và Ngoại ngữ là 11,19%. 

Trao đổi với PV Dân trí về lý do trên, thầy Đỗ Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng cho biết: “Học sinh ở đây chiếm khoảng 95% là người đồng bào thiểu số (dân tộc Cor), do đó môn Ngoại ngữ cũng là ngôn ngữ thứ 3, cho nên học sinh gặp nhiều khó khăn với môn này. Bên cạnh đó, giáo viên dạy Ngoại ngữ cũng không có điều kiện, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt, làm hạn chế khả năng trao dồi kiến thức cho học sinh. Việc học sinh ngại học và thi môn Ngoại ngữ là đều hiển nhiên”.

Học sinh miền núi Quảng Ngãi thích chọn môn thi là Lịch sử và Địa lí.

Học sinh miền núi Quảng Ngãi thích chọn môn thi là Lịch sử và Địa lí.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 6 huyện miền núi gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Ba Tơ và Minh Long. Đa phần học sinh ở khu vực miền núi thuộc dân tộc Cor, H’re và Cadong. Ngoài ngôn ngữ đặc trưng của từng dân tộc ít người, học sinh khó khăn trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ Tiếng Việt thì môn Ngoại ngữ gây khó khăn cho người dạy lẫn người học.

Em Đinh Thị Mia - học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây) chia sẻ: “Khi đến trường thì em nói tiếng Kinh, còn về nhà hoặc gặp bạn bè lại nói tiếng H’re, cho nên thời gian nói tiếng Anh hầu như không có. Vì môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc, em chọn môn Địa lý và Lịch sử thôi, vì 2 môn này chỉ học thuộc bài chứ không khó như các môn tính toán khác”.

Trong khi học sinh miền núi thích chọn thi môn Địa lí, Lịch sử, Sinh học… thì học sinh đồng bằng lại “né” môn Lịch sử. Ghi nhận tại các trường THPT Lê Trung Đình (TP Quảng Ngãi), trong tổng số 460 học sinh khối lớp 12 thì chỉ đăng ký 37 em dự thi môn Lịch sử (tỷ lệ 8%). Tại trường THPT số 1 Tư Nghĩa cũng chỉ vỏn vẹn 4,37% số thí sinh đăng ký môn Lịch sử.

Đối với học sinh vùng đồng bằng, nhất là khu vực thành phố, đa phần các em lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT theo khối thi đại học, trong đó tập trung chủ yếu về khối A (Toán - Lý - Hóa), B (Toán - Hóa - Sinh) và D (Toán - Văn - Anh).

Thầy Trần Thanh An - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình cho biết: “Học sinh nhà trường đa phần chọn các môn tự nhiên, bởi môn thi tốt nghiệp THPT trùng với môn thi đại học, thuận lợi hơn trong quá trình ôn luyện của mỗi thí sinh. Đề thi môn Hóa và Lí làm theo hình thức trắc nghiệm, nếu em nào học trung bình, ít gì cũng có thể làm trên 25% đề thi khi chọn chung câu trả lời trong đề thi. Chính vì vậy, học sinh ít khi chọn môn Lịch sử hoặc Địa lí, chỉ trừ các em theo khối C”.

Câu chuyện học sinh đồng bằng ngại học Lịch sử, còn học sinh miền núi sợ học môn Ngoại ngữ cũng là điều dễ hiểu hiện nay.

Lúng túng chờ hướng dẫn.

Đến giữa tháng 4/2014, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 2, 3 và 4/6 tới. Thời gian thi chỉ còn hơn 1,5 tháng nữa, liệu thời gian ôn tập có đủ hay không?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc (Toán học và Ngữ văn) và 2 môn thi tự chọn (bao gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ), riêng hệ Giáo dục thường xuyên không tự chọn môn Ngoại ngữ. Quyết định này đã phần nào làm giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc ôn tập, giúp học sinh chủ động chọn môn thi theo sở trường của mình.

Trong khi chờ Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Quảng Ngãi hướng dẫn, đồng thời học sinh vẫn còn có thể thay đổi môn thi đến hết ngày 7/5. Với 2 lý do này, nhiều trường THPT lúng túng không biết cho các em ôn thi như thế nào cho đúng, phù hợp với số lượng giáo viên hiện có của từng trường.
Trong lúc chờ hướng dẫn, các trường THPT tổ chức ôn thi tất cả các môn đến hết ngày 7/5 tới.

Trong lúc chờ hướng dẫn, các trường THPT tổ chức ôn thi tất cả các môn đến hết ngày 7/5 tới.

Thầy Trần Thanh An - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình lo lắng: “Chẳng hạn như môn Lịch sử chỉ có 37 em, nhà trường bố trí 1 lớp ôn thi thì đảm bảo. Các môn tự nhiên có số lượng đăng ký cao, chúng tôi phải chia ra nhiều lớp, trong khi số giáo viên lại có hạn. Cân đối làm sao đủ giáo viên dạy ôn thi, đồng thời không bị trùng môn đăng ký của từng học sinh và tránh cấn tiết dạy của giáo viên cho khối 10 và 11… Thay vì chờ hướng dẫn, nhà trường cho ôn tập luôn cả 8 môn, chúng tôi phải mở đến 16 lớp (tăng hơn 4 lớp so với năm 2013) ôn thi tốt nghiệp”.

Với cách thức thi tốt nghiệp THPT năm nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi) vì ngay từ cuối năm lớp 10, nhà trường đã phân luồng học sinh theo từng khối như A, A1, B, C, D,…

Mặc dù vậy, thầy Nguyễn Thái Quảng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho hay: “Tuy học sinh lớp 12 đã phân luồng học theo khối, ví dụ như học sinh khối A, lại đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử hay Ngoại ngữ. Nhà trường phải mở lớp mới, trong khi số giáo viên đã cân đối kín lịch dạy từ đầu năm rồi. Ngày nào Bộ và Sở chưa kịp thời hướng dẫn cụ thể, các trường THPT và học sinh còn lo lắng ngày đó”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh các môn Toán học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận. Thi môn Vật lí, Hoá học và Sinh học theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn; đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần: viết và trắc nghiệm.

Hồng Long