Học sinh không mặn mà với tiếng Pháp

(Dân trí) - Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT trong 3 năm (2005-2007), tỷ lệ học sinh và giáo viên học - dạy tiếng Pháp đã giảm dần qua các năm. Nguyên nhân của tình trạng này là do học sinh chỉ thích học tiếng Anh, không mấy mặn mà với tiếng Pháp.

Ngày 27/11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị “Tăng cường giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục quốc dân” nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu trong việc triển khai dạy tiếng Pháp trong trường phổ thông.

 

Bộ GD-ĐT tự làm khó mình?

 

Kết quả khảo sát tại 48 tỉnh, thành cho thấy trong năm 2007, số học sinh theo học tiếng Anh chiếm tới 98,2% trong khi tiếng Pháp chỉ là 1,48%. Năm 2005, có 153 nghìn học sinh từ tiểu học tới THPT học tiếng Pháp, đến năm 2007 chỉ còn 113 nghìn; số lượng giáo viên cũng giảm từ 1.392 xuống còn 1.136.

 

Trong khi đó, hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam đang tồn tại 4 chương trình giảng dạy tiếng Pháp: Ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, song ngữ và chuyên Pháp. Tuy nhiên, sự đa dạng của các loại hình này không khắc phục được thực trạng ngày càng ít học sinh theo học tiếng Pháp bởi một nguyên nhân do chính Bộ GD-ĐT đặt ra.

 

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc dạy ngoại ngữ 2 năm học 2007- 2008, thì đây được xem như một môn học tự chọn không bắt buộc. Sự không bắt buộc này đã dẫn đến tình trạng học sinh chỉ đăng kí học tiếng Anh mà thờ ơ với môn học tiếng Pháp.

 

Sở GD-ĐT Bến Tre cho biết, so với năm học trước, số học sinh học tiếng Pháp năm nay giảm gần 1.000. Trước đó, để duy trì môn học này, từ năm học 2001-2002, Bến Tre đã thí điểm mở lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2 ở một số trường THPT. Tuy nhiên, việc mở lớp lại gặp nhiều khó khăn bởi trong thiết kế chương trình phân ban của Bộ không có chỗ cho môn ngoại ngữ 2.

 

Đánh giá tổng thể, Bộ GD-ĐT nhận định: Sở dĩ học sinh không mặn mà với tiếng Pháp là do chưa tạo được sự liên thông giữa các cấp học, bậc học cho học sinh học tiếng Pháp, người học thiếu thông tin về các chương trình đạo tạo tiếng Pháp; việc làm cho nhóm sinh viên học tiếng Pháp chưa hấp dẫn; các chương trình dạy chưa có sách giáo khoa riêng…

 

Loay hoay tìm giải pháp

 

Theo ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, để thu hút học sinh học tiếng Pháp, tỉnh này miễn thi tuyển lộ trình tiếng Việt vào THPT cho học sinh đã tốt nghiệp THCS chương trình song ngữ; một loạt các chương trình hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trong cộng đồng Pháp ngữ cũng được tỉnh đầu tư.

 

Đặc biệt, năm học này, 90% số giáo viên giảng dạy trong chương trình song ngữ của Quảng Ninh đã vào biên chế. Với hệ 7 năm, tỉnh đã sử dụng 100% đội ngũ giáo viên tiếng Pháp đã tham gia dạy nhiều năm trong nghề.

 

 “Chúng tôi mong Bộ sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo tiếng cho giáo viên khoa học và chương trình song ngữ tại các địa phương gặp khó khăn”- ông Thuấn đề nghị.

 

Còn Sở GD-ĐT Bến Tre đề xuất, Bộ sớm xây dựng đề án giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc học phổ thông đến ĐH; trong đó, cần tính đến yếu tố đa dạng trong các ngoại ngữ 1 giảng dạy ở bậc phổ thông không chỉ có tiếng Anh, mà còn có các ngoại ngữ thông dụng khác như tiếng Pháp, Nga, Trung, Nhật, Đức...

 

Cùng với đó, Bộ cần đưa môn ngoại ngữ 2 như môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông ở cấp THCS, THPT chứ không tự chọn như hiện nay. Đồng thời, xây dựng một lộ trình 5 năm hoặc 10 năm... để dừng thi môn thay thế môn ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay.

 

Kết thúc hội nghị, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Trước mắt các trường THCS, trường THPT có thể bố trí giáo viên và có điều kiện về cơ sở vật chất, cần khuyến khích học sinh chọn học ngoại ngữ 2 để tổ chức dạy cho một số lớp hoặc cho toàn trường.

 

Bên cạnh đó, Bộ cũng hi vọng “Đề án tăng cường phát triển tiếng Pháp giai đoạn 2006-2009” của khối cộng đồng Pháp ngữ và các tổ chức vừa ký kết với Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ cải thiện điều kiện giảng dạy và học tập tiếng Pháp trong trường phổ thông.

 

Nguyễn Hùng