Học sinh không phải là những cỗ máy!

Tôi là một giáo viên đã dạy qua 3 chương trình: cải cách, thực nghiệm và chương trình tiểu học 2000. Càng dạy tôi càng đau xót cho học sinh của mình mà đành bất lực nhìn các em bị cướp mất tuổi thơ

Từ lớp 1 đến lớp 5, giờ học chính thức bắt đầu từ 7 giờ nhưng ban giám hiệu các trường có “sáng kiến” truy bài đầu giờ (có chấm điểm thi đua hẳn hòi), vậy là các em phải có mặt trên lớp trước 6 giờ 45. Tội nghiệp cho các em lớp 1 phải dậy từ 5 giờ 30 để làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường. Các em đến lớp mà mặt vẫn còn ngây dại vì thiếu ngủ.

 

Một việc “khủng khiếp”

 

Buổi sáng các em phải học 5 tiết cho đến tận 11 giờ kém 15 (chưa kể ngày thứ hai chào cờ xem như các em phải học 6 tiết vào buổi sáng). Sau đó các em được ăn trưa và nghỉ trưa đến 13 giờ 45 và học tiếp đến 16 giờ 15 mới được ra về. Với thời gian học như vậy, đến giờ về học sinh (HS) và cả giáo viên (GV) thực sự đã bị vắt kiệt sức.

 

Bên cạnh thời gian học tập quá dài thì nội dung chương trình học tập mới là cái “đọa đày” các em nhất. Tôi không phủ nhận những điểm mới của sách giáo khoa (SGK) chương trình tiểu học 2000 (TH 2000), nhưng xin nói thật, phải để các vị biên soạn sách xuống lớp dạy thực tế hằng ngày như GV chủ nhiệm thì các vị mới thấy được là các vị đã làm một việc “khủng khiếp” như thế nào.

 

Tôi muốn nói đến việc biên soạn nội dung chương trình SGK quá nặng, quá dài, quá ôm đồm. Một tiết học chỉ có 35 phút: ổn định lớp 3 phút, kiểm tra bài cũ 5 phút, củng cố 5 phút, dặn dò 2 phút. Thời gian thực sự dành cho bài mới chỉ có 25 phút thôi vậy mà HS phải nhồi nhét vô vàn kiến thức và bài tập trong 25 phút đó. Mà một buổi sáng các em phải “tiêu hóa” hết 5 tiết như vậy đấy!

 

Bị bỏ rơi ngoài rìa lớp học

 

Đó là tôi nói các em thực hiện các hoạt động học tập răm rắp như một cỗ máy hoạt động trơn tru. Nhưng trên thực tế, bất cứ tiết nào chúng tôi cũng đều phải dành thời gian vào những việc không thể không làm: nhắc nhở HS không thuộc bài, sửa tư thế ngồi viết, chờ HS viết chậm, sửa chữa những câu trả lời chưa hoàn chỉnh hoặc diễn đạt rối rắm, đặc biệt là giảng đi giảng lại cho những em HS yếu, chậm tiếp thu có thể hiểu bài và thế là chúng tôi bị cháy giáo án, phải lấn sang giờ của các tiết khác.

 

Nếu GV nào sợ cháy giáo án, dạy đúng thời gian thì chỉ làm việc với những HS giỏi trong lớp. Còn những HS yếu, chậm tiếp thu, những HS đáng thương và cần được giúp đỡ ấy sẽ bị bỏ rơi ra ngoài rìa lớp học. Việc này còn kéo theo các môn nghệ thuật hầu như chỉ được dạy qua loa.

 

Chắc quý vị sẽ la toáng lên đã có hướng dẫn giảm tải 15% chương trình tại sao không thực hiện? Xin thưa, chúng tôi không dám đụng đến nó. Chúng tôi dạy, phòng giáo dục hoặc sở GD-ĐT ra đề thi, nếu hôm nào đề thi ra ngay vào phần chúng tôi giảm tải thì chúng tôi sẽ phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước HS, trước phụ huynh và ban giám hiệu. Hàng tá việc lôi thôi sẽ diễn ra sau đó và nguy cơ được cho thôi đứng lớp là điều chắc chắn.

 

Và điều đáng sợ nhất...

 

Hiện nay việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nó. Thứ nhất, nội dung chương trình của một tiết quá nhiều, GV phải dạy theo kiểu đọc - chép thì mới kịp thời gian. Còn nếu tổ chức cho HS được phát biểu ý kiến riêng của mình, được thảo luận nhóm, được sắm vai, được xử lý tình huống,... thì bị cháy giáo án, không còn thời gian để dạy các tiết khác.

 

Thứ hai, ở tiểu học GV phải dạy cả ngày, phải dạy hết tất cả các môn học nên GV không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ SGK của từng môn, không có thời gian đầu tư cho việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như chuẩn bị đồ dùng dạy học và điều đáng sợ nhất là GV không thể nhớ hết nội dung và tiến trình của từng tiết dạy khi lên lớp.

 

Nguyễn Thị Thanh (Giáo viên quận 12 - TPHCM)

Theo Người Lao Động