Học sinh lớp 12 mệt mỏi với “mùa tăng tiết”

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn các thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006 (ngày 31/3), nhiều trường THPT ngay lập tức ngưng học những môn không thi, tăng tiết 6 môn thi cả sáng - chiều khiến học sinh lớp 12 vô cùng mệt mỏi.

Gần 12 giờ ngày 19/4, có mặt tại Trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn - TPHCM chúng tôi thấy cảnh học sinh chen chúc nhau ăn trưa trong 3 quán cơm ngay cổng trường để tranh thủ buổi chiều còn học tiếp.

 

Học 9 tiết/ngày

 

Đặt câu hỏi tại sao phải học cả sáng - chiều vất vả như vậy, một học sinh lớp 12A9 đưa cho chúng tôi xem lịch học và nói: “Đây là lịch học của bọn em. Suốt từ thứ hai đến thứ sáu chúng em phải học 9 tiết/ngày, chỉ riêng ngày thứ bảy là học 2 tiết. Cả thảy chúng em phải học 46 tiết/tuần”.

 

Nhìn vào thời khóa biểu này chúng tôi không khỏi bị ngộp vì cả 46 tiết toàn là điệp khúc: văn, toán, hóa, sử, địa và ngoại ngữ (tiếng Anh) , trong đó môn văn 8 tiết; toán 10 tiết; hóa 8 tiết; sử 5 tiết; địa 6 tiết; tiếng Anh 8 tiết. Nếu tính thêm 1 tiết sinh hoạt chủ nghiệm thì học sinh có tất cả 47 tiết. Chưa hết, nhiều học sinh nằm trong danh sách yếu còn phải “cày” thêm vào buổi tối từ 18 giờ đến 20 giờ.

 

Việc nhà trường bắt học sinh phải học tăng tiết nhiều đến như vậy khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Một phụ huynh đón con ở cổng trường than thở: “Sau mỗi ngày học trông cháu phờ phạc cứ như người đi đánh vật về. Ăn không được bao nhiêu rồi lăn ra ngủ li bì. Thương lắm nhưng tôi chỉ biết động viên cháu”. Q. M, học sinh lớp 12A9, kể: “Mới tăng tiết có nửa tháng mà em đã sụt 2 kg, không biết từ giờ đến khi thi tốt nghiệp thì như thế nào”. M. cho biết thêm, ở trong lớp nhiều bạn mệt quá phải đi xuống cuối phòng học gục đầu xuống ngủ.

 

Cùng với việc tổ chức tăng tiết cho học sinh, trường này cũng thu thêm mỗi học sinh 360.000 đồng.

 

Cách đó không xa, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn một phụ huynh cho chúng tôi biết con họ cũng phải học liên tục sáng - chiều các ngày trong tuần.

 

Chỉ học 6 môn thi       

 

Theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, đến ngày 17/5 học sinh lớp 12 sẽ hoàn tất chương trình học. Tuy nhiên, tại những trường này những môn không thi tốt nghiệp THPT từ đầu tháng 4 đã không còn được tiếp tục học nữa. Một học sinh Trường THPT Bà Điểm cho biết ngay sau khi biết 6 môn thi tốt nghiệp ngay lập tức nhà trường tổ chức cho các em kiểm tra học kỳ những môn không thi tốt nghiệp.

 

Còn tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, những môn không thi tốt nghiệp nhà trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ 2 từ tuần trước. Để có thể kết thúc sớm các môn không thi tốt nghiệp nhiều trường đã dạy trước chương trình ngay từ trong hè. Một học sinh Trường THPT Bà Điểm nói: Từ tháng 7, tháng 8 chúng em đã được học chương trình lớp 12, vào đầu năm học mới, tháng 9 chúng em học tiếp mà không phải quay lại từ đầu.

 

Trao đổi với ông Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, về việc tại sao nhà trường đồng loạt tăng tiết và kết thúc chương trình sớm hơn so với yêu cầu của Bộ GD-ĐT, ông phân bua: “Đến ngày 17/5 mới kết thúc chương trình, nhưng sau khi biết các môn thi tốt nghiệp thì học sinh không còn tinh thần để học những môn không thi. Thực tế trường THPT nào cũng tăng tiết tập trung cho 6 môn thi tốt nghiệp”.

 

Theo ông Hùng, tuy kết thúc sớm, nhưng nhà trường không hề cắt xén chương trình. Ngay từ trong năm học một số môn học sinh đã được học tăng tiết để bảo đảm học hết chương trình.

 

Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó Giám đốc Sở GD – ĐT TPHCM: Các trường không được hoàn thành chương trình sớm!

Trong thời gian này các trường được phép tập trung ôn tập cho học sinh khối 12 những môn thi tốt nghiệp nhưng không được kết thúc sớm so với yêu cầu của Bộ GD-ĐT là ngày 17/5. Sở cũng đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường đồng thời đã tổ chức họp hiệu trưởng đề nghị thực hiện đúng quy định của bộ. Tuy nhiên, vừa qua sở đi kiểm tra 4 trường đã phát hiện một số nơi vi phạm và đã có biện pháp chấn chỉnh. Những nơi hoàn thành chương trình sớm nếu bị phát hiện hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Sở GD-ĐT.

 

 

Theo Huy Lân

Người Lao Động