Thanh Hóa:

Học sinh phải học ở... gầm nhà sàn

(Dân trí) - Thầy và trò phải cơm đùm, cơm nắm đi bộ đến trường vì đường xá đi lại rất khó khăn, nhiều học sinh phải học tạm ở gầm nhà sàn. Giao thông cũng đã cản trở không nhỏ đến cuộc sống và giao thương của bà con dân bản nơi xã Tân Phúc (huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa)<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/san-truong-la-duong-lo-nong-thon-vua-choi-vua-tranh-xe-947263.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Sân trường là đường lộ nông thôn: Vừa chơi vừa tránh xe</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/van-con-diem-truong-chi-moi-xay-cong-va-hang-rao-948401.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vẫn còn điểm trường chỉ mới xây cổng và hàng rào</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mua-mua-lu-thay-tro-thap-thom-lo-truong-sap-951460.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Mùa mưa lũ, thầy trò thấp thỏm lo... trường sập</b></a>


Theo chân cán bộ xã, chúng tôi có dịp tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân và học sinh ở các thôn tận cùng của xã Tân Phúc thuộc huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa). Trước khi lên xe, cán bộ xã đã “lên dây cót” tinh thần vì phải đi qua hàng chục km đường đất rất khó khăn.

Mặc dù là người bản địa, nhưng anh Hà Dương Hưng - xã đội phó, là người dẫn đường cho chúng tôi cũng phải gồng hết mình mới điều khiển cho xe máy luồn lách qua những vết lằn trên con đường đất đầy sống trâu, sống bò. Con đường đất càng lúc càng khó khăn hơn khi có những đoạn lằn xe sâu đến cả mét, xe máy và người đi bộ chỉ có thể men theo mép đường thành những lối mòn nhỏ để đi.

Ông Lê Văn Hoàn - Trưởng thôn Sơn Thủy cho biết: “Chúng tôi là thôn thuộc diện 30a, con đường trước cũng đã làm rồi, nhưng do đường núi khe, đồi cao quá, nước lũ ống đổ về làm hư hỏng đường. Xe cộ vận chuyển hàng nông sản của bà con đi lại nhiều nên càng ngày càng xuống cấp. Các con cháu đi học, rồi bà con đi lại gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày trời khô phải huy động bà con lấp sơ bộ để đi. Bà con luôn mong mỏi có con đường đi lại thuận tiện, rồi giao thương, con cháu đi học thuận tiện”.

Con đường vào các bản vùng sâu của xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh.
Con đường vào các bản vùng sâu của xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa).

Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn với con đường “đau khổ”, chúng tôi đến thôn Tân Cương, một trong những thôn nằm cách xa trung tâm xã Tân Phúc nhất. Chỉ tay về phía ngôi nhà sàn ở đầu thôn, anh Hưng cho biết, nơi đó là một lớp học. Khi lại gần, quan sát đó là gầm ngôi nhà sàn của bà con dân bản được xếp mấy bộ bàn ghế để cho các em học sinh ngồi học. Chiếc bảng được dựng tựa vào cột nhà. Từ đầu năm học đến nay, lớp học “bất đắc dĩ” này phải mở tại đây và chưa biết lúc nào, các em học sinh mới có điều kiện học trong những phòng học kiên cố.

Chỉ cách lớp học này hơn 100m là khu lẻ của Trường Tiểu học Tân Phúc 2. Ngay cổng vào là một ngôi nhà sàn được làm bằng luồng mà qua lời giới thiệu của cô giáo Hà Thị Hướng đó là ngôi nhà mà bà con dân bản đã dựng tạm để thầy cô lấy chỗ nghỉ trưa, nhưng bây giờ cũng đang được tận dụng làm lớp học.

Ngay cạnh đó là một gian nhà cấp bốn chật chội, được ngăn đôi bằng một tấm bạt nhỏ thành hai lớp học. Học sinh hai bên có thể nhìn thấy nhau và nghe thầy cô giáo giảng bài của hai lớp.

Bà con dân bản huy động nhau ra san lấp mặt đường để đi lại được.
Bà con dân bản huy động nhau ra san lấp mặt đường để đi lại được.

Thầy Lê Văn Tréng, giáo viên khu lẻ của Trường Tiểu học Tân Phúc 2 chia sẻ: “Chúng tôi là những người ở khu khác đến công tác ở đây. Có khu nhà trước khi khai giảng, kiểm tra không đảm bảo cho công tác học tập, nên đã niêm phong ba phòng lại. Chúng tôi bắt buộc phải học ở gầm nhà sàn và ở đây hai lớp được ngăn nhau bởi một nửa lá bạt. Các em ở làng tận cùng ra đây cũng phải gói cơm để ở lại ăn trưa tại lớp, điều kiện rất khó khăn. Đi đường thì các anh cũng biết rồi đấy, hôm nay khô, chứ mọi hôm lầy lội quần áo bùn bê bết nhưng cũng phải lên lớp”.

Dù khó khăn, vất vả là thế, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn cố gắng để dạy học trò hàng ngày. Cái khó, cái khổ mãi rồi cũng quen, thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây luôn mong muốn có phòng học kiên cố và đường xá đi lại thuận tiện hơn.

Mặt đường ngầy nhụa bùn đất.
Mặt đường đầy bùn đất.

Tân Phúc vốn là một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Lang Chánh với địa bàn rộng, nhiều sông suối hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương hàng hóa trên địa bàn và với bên ngoài. Đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của các thầy cô giáo và học sinh trong vùng.

Ở xã này, phần lớn là đất lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm hơn 75% dân số toàn xã. Đại đa số người dân sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, thu nhập thấp. Xã có 10 khu dân cư với các dân tộc Mường, Thái và Kinh cùng chung sống. Trong đó, các thôn Tân Tiến, Sơn Thủy, Tân Cương, Tân Sơn và Tân Biên, chiếm khoảng 50% dân số toàn xã, là những thôn nằm ở vùng khó khăn. Trong đó còn 3 thôn chưa có điện như: Tân Bình, Tân Cương và Tân Biên.

Lớp học dưới gầm nhà sàn.
Lớp học dưới gầm nhà sàn.

Căn phòng ngăn đôi thành 2 lớp học.
Căn phòng ngăn đôi thành 2 lớp học.

Nhìn những lớp học tạm ở gầm nhà sàn, nhà nghỉ ngơi của giáo viên... cũng có thể thấy sự học nơi đây còn quá nhiều khó khăn. Những ngày đầu năm học, các thầy cô giáo và học sinh ở khu lẻ Tân Cương không dám vào khu nhà xây để dạy và học, phòng học phải niêm phong lại vì quá nguy hiểm cho cả thầy và trò.

Cơ sở vật chất đã vậy, giao thông đi lại với thầy cô giáo và học sinh nơi đây cũng là cả vấn đề. Nhiều cô giáo không dám đi xe máy đến tận trường mà phải gửi xe cách điểm trường hơn 3km rồi cuốc bộ vào.

Cô Hà Thị Hướng, giáo viên Trường tiểu học Tân Phúc 2 chia sẻ: "Phòng nghỉ trưa của giáo viên được bà con dân bản dựng tạm cũng được tận dụng làm lớp học. Điều kiện công tác gặp nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại, chúng tôi phải gửi xe máy cách điểm trường hơn 3km rồi đi bộ hơn 30 phút mới tới lớp. Mỗi lần đi về rất mệt mỏi, nhưng cũng phải gắng vì học trò thôi".

Trời nắng thì còn đỡ, mỗi lần mưa xuống thì vào đến lớp, quần áo của thầy cô cũng lấm lem bùn đất, không có chỗ thay, đành phải mặc cả quần áo bẩn để lên lớp, học sinh cũng không còn cách nào khác là phải đi bộ đến trường.

Học sinh đi bộ đến trường.
Học sinh đi bộ đến trường.
 
Với học sinh mầm non phải đến khu chính, nhiều phụ huynh đành phải bỏ công việc nương rẫy để cõng con đến lớp. Việc giao thông đi lại khó khăn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học nơi đây. Học sinh bậc mầm non và Tiểu học tại địa bàn đã khổ, lên cấp 2, các em còn vất vả hơn nhiều khi phải ra trung tâm xã học.
 
Ông Lê Văn Chớng - Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Trước đây đã có đoàn về khảo sát nhưng rồi cũng chẳng thấy gì. Người dân ngóng mấy năm nay rồi. Khổ nhất là các
cháu học sinh đi học thiệt thòi nhiều. Chúng tôi cũng đã đề nghị, đề xuất nhiều rồi nhưng cũng chưa thấy hồi âm gì cả”.
 
Duy Tuyên