Học sinh rừng Vĩnh Cửu thôi phải lội bộ, vẫy xe…

(Dân trí) - Một năm nay, các em học sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Đồng Nai không còn phải lội bộ hàng chục cây số để đến trường nữa. Hai kí túc xá miễn phí đã giúp các em tiếp cận con chữ dễ dàng hơn lúc trước rất nhiều.

Học sinh rừng Vĩnh Cửu thôi phải lội bộ, vẫy xe… - 1

Nếu không có KTX, các em học sinh phải đi bộ hàng chục cây số mới đến được trường

Giữa các khu rừng đặc dụng tre, lồ ô vẫn có hàng ngàn người dân sinh sống. Khu bảo tồn Vĩnh Cửu có 26.000 dân, thuộc 3 xã: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý. Người dân ở đây trước là cán bộ công nhân viên của các lâm trường cũ, đi lên rừng để xây dựng làng lâm nghiệp. Sau đó, không còn việc nữa thì đành phải sống ở rừng, với rừng. Có nơi như Phú Lý người dân sống tập trung thành khu dân cư nhưng có nơi như ở Mã Đà, dân sống rải rác, xen kẽ trong rừng.  

Đời sống của người dân khá vất vả. Để các em đến trường là cả một nỗ lực rất lớn từ các em và cả gia đình. Phương tiện phổ biến nhất để đến trường của các em là đôi chân. Học sinh ở ấp 5, xã Mã Đà muốn đi học ở ngã ba Bà Hào phải lội bộ 8km, muốn học ở trung tâm Mã Đà phải đi 26km hoặc ngược về hướng Phú Lý. Chính vì vậy, trên các con đường nhựa, người ta vẫn thấy các em học sinh bé xíu đứng vẫy tay xe đò, xe máy xin quá giang đến trường.  

Trước tình hình đó, Khu bảo tồn Vĩnh Cửu tận dụng các công trình hiện có, xây dựng một kí túc xá miễn phí ở xã Mã Đà cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Từ năm học vừa rồi 2008-2009, có 45 em ở trong 6 căn phòng, mỗi phòng khoảng 15m2. Các em chỉ phải đóng tiền ăn, mỗi ngày là 10.000 đồng mỗi em.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, trưởng phòng Kinh tế - xã hội, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu cho biết: Tiền ăn như thế này với người dân ở đây cũng đã là một gánh nặng. Chính vì thế, Khu bảo tồn cũng cố gắng sẽ hỗ trợ một nửa tiền ăn cho các em.  

Học sinh ở Khu bảo tồn Vĩnh Cửu khi học cấp 3 thì phải thuê nhà ở xã Phú Lý. Chính vì vậy, một kí túc xã miễn phí nữa cũng được hình thành ở đây. Hiện nay có khoảng 15 em ở đây và tự lo nấu ăn. Ông Trương Minh Trí, quản lý kí túc xá cho biết ít học sinh như vậy vì học sinh lớn còn phải giúp đỡ gia đình việc nhà nên ít có điều kiện đến trường.  

Trước tình trạng bỏ học của các em, bên Khu bảo tồn cũng cố gắng thuyết phục các em đến trường nhưng hầu như thất bại. Các cô chú ở đây cũng khá nhiệt tình khi tự nguyện đi dạy cho tụi nhỏ, cắt cử người bảo vệ kí túc xá, dạy tiếng Anh cho các em.  

Hiếu Hiền