Đà Nẵng:

Học sinh sống chung với chợ

(Dân trí) - Hơn 1.400 học sinh của 32 lớp thuộc trường THCS Chu Văn An đóng trên địa bàn phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đang phải học bài, nghe giảng ngay sát một ngôi chợ họp từ lúc sáng sớm đến 11 giờ.

Trong nhiều tháng nay, không ít phụ huynh có con em theo học trưòng THCS Chu Văn An khốn khổ vì lo lắng cho sức khoẻ cũng như việc học tập của con em mình khi môi trường học của trẻ không đảm bảo. Lý do là trường Chu Văn An nằm sát chợ Tân Lập, chỉ cách nhau một bức tường ngăn. Xung quanh trường Chu Văn An là ruồi nhặng rồi mùi hôi tanh bốc lên, rồi động cơ xe máy, tiếng ồn ào của chợ búa bao vây lấn át cả tiếng giảng bài của thầy cô giáo.

 

Từ lâu chợ Tân Lập nằm trong cụm dân cư phường Vĩnh Trung, lọt thỏm ở giữa là trường Chu Văn An. Chợ Tân Lập họp từ lúc sáng sớm cho đến 11 giờ hàng ngày, phục vụ việc mua bán cho hàng ngàn hộ dân trong phường. Do xuống cấp nghiêm trọng, chợ Tân Lập đã được chính quyền địa phương tu bổ, xây dựng lại từ ngày 2/1/2008. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2008.

 

Cũng kể từ đó, hơn 150 hộ kinh doanh trong chợ Tân Lập cũ “xoà” ra lấn chiếm, tiếp tục kéo dài diện tích chợ cũ vào hành lang các con hẻm nhỏ để kinh doanh. Mà các con hẻm này chủ yếu bao bọc, chạy dọc theo ba bên của trường Chu Văn An. Kết quả là trường bị “vây” bởi cảnh nhếch nhác bẩn thỉu và tiếng ồn ào khó chịu.

 

Trước nỗi lo lắng của hàng ngàn phụ huynh học sinh trường Chu Văn An, Dân trí đã tìm gặp ông Phạm Đình Sơn, hiệu trưởng nhà trường. Song ông Sơn tỏ thái độ khó chịu và bất hợp tác với báo chí. “Báo chí chỉ làm phiền toái đến công việc của tôi, đã có rất nhiều báo nói lắm rồi, nhưng báo nào cũng giống báo nào thôi”, ông Sơn nói.

 

Tiếp tục “gõ cửa” chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, ông Hồ Thành 1, Dân trí nhận được câu trả lời: “Vấn đề này chúng tôi cũng đã suy nghĩ nhiều rồi, nhưng quĩ đất của thành phố bây giờ không còn nữa, đành phải chấp nhận để chợ Tân Lập hoạt động trên địa bàn đó (tổ 41, phường Vĩnh Trung - PV) thôi. Dân sinh hoạt trong chợ này đã lâu, chủ yếu là những hộ thuộc diện khó khăn. Chúng tôi biết họp chợ xung quanh khu vực trường học là không nên, ảnh hưởng đến tình hình học tập của các cháu. Chúng tôi chỉ biết chỉ đạo đội vệ sinh môi trường làm sao đó để khắc phục tiếng ồn, vệ sinh sạch mỗi khi chợ tàn mà thôi. Chứ không thể di chuyển khu vực chợ đi nơi khác được vì không có địa điểm.”

 

Với những khó khăn được vị chủ tịch phường nêu ra, có lẽ 1.400 học sinh của trường Chu Văn An vẫn phải chịu cảnh học bài trong tiếng ồn ào của chợ búa.

 

Phan Quân