Học sinh thành phố vui nhảy sạp, hát chèo

(Dân trí) - Hơn 2.000 học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM thỏa sức tận hưởng nhiều loại hình âm nhạc dân tộc cũng như trực tiếp tham gia nhiều hoạt động thiết thực tại Ngày hội Âm nhạc truyền thống “Tiếng quê hương”.

Nhà trường dành nguyên ngày đầu tuần (14/11) cho ngày hội. Với thiết kế theo 4 phòng trải nghiệm, mỗi phòng một loại hình âm nhạc như đờn ca tài tử, chèo, ca Huế, âm nhạc dân tộc cao nguyên… Họ sinh được nghe giới thiệu, tìm hiểu, thực hành sử dụng các loại nhạc cụ âm nhạc dân tộc; tham gia biểu diễn giao lưu cùng các nghệ sĩ đến từ Nhạc viện TPHCM.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tìm hiểu về chèo
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tìm hiểu về chèo

Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia vào nhiều trò chơi âm nhạc như đoán tác phẩm, đoán âm sắc nhạc cụ, sử dụng nhạc cụ gõ. Thầy và trò của trường còn cùng nhau nhảy sạp ngẫu hứng tạo nên bầu không sôi động, thân thiện cho ngày hội.

Tìm hiểu và trải nghiệm với nhạc cụ gõ
Tìm hiểu và trải nghiệm với nhạc cụ gõ

Với phần đông học trò tại ngôi trường nằm ở trung tâm thành phố, đây là lần đầu tiên trong đời các em được nghe, được trải nghiệm với các loại hình âm nhạc truyền thống cũng như các trò chơi, sinh hoạt dân gian, tập thể.

Không chỉ là ngày hội vui chơi về âm nhạc truyền thống mang ý nghĩa giúp các em hiểu, hình dung và trải nghiệm về âm nhạc truyền thống; truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc…, đây còn được xem là hoạt động dạy học không bục giảng, không bảng đen phấn trắng của thầy trò. Đây là hoạt động trải nghiệm thuộc học liên môn Ngữ văn-Lịch sử được xây dựng trên cơ sở bài học “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa” (môn Văn) và “Văn hóa dân tộc và văn hóa dân gian” (môn Sử) nằm trong chương trình lớp 10.

Học sinh thành phố vui nhảy sạp, hát chèo - 3

Thầy và trò cùng nhảy sạp - một hoạt động vui chơi nhưng cũng gắn liền với việc dạy học chính khóa ở nhà trường
Thầy và trò cùng nhảy sạp - một hoạt động vui chơi nhưng cũng gắn liền với việc dạy học chính khóa ở nhà trường

Trước khi diễn ra ngày hội, học sinh các lớp đã được cung cấp kiến thức qua tiết học “giới thiệu sơ lược về Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và mỗi em đều được phát Sổ tay về âm nhạc truyền thống, trong đó cung cấp những kiến thức căn bản về các loại hình âm nhạc và nhạc cụ truyền thống.

Nhà trường còn cộng điểm hệ số 1 môn Văn khi các em tham gia vào ngày hội để khuyến khích tinh thần của học trò. Cụ thể khi các em tham gia một trong những nội dung như tham gia trò chơi, tham quan tìm hiểu một loại hình âm nhạc, tham gia biểu diễn… sẽ được cộng 1 điểm và mỗi học sinh tối đa được cộng 4 điểm.

Hoài Nam