TPHCM:

Học sinh thích thú khi đề Hóa học đề cập vụ thất lạc nguồn phóng xạ

(Dân trí) - Chiều ngày 22/4, nhiều học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TPHCM) cho biết thấy thích thú trước đề thi học kỳ 2 môn Hóa học vì nội dung đề khá lạ, gắn với nhiều sự kiện thời sự đang nóng hiện nay như vụ thất lạc nguồn phóng xạ, ô nhiễm môi trường…

Đề thi học kỳ 2 môn Hóa học gồm 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút. Nội dung đề không chỉ gồm những phương trình hóa học khô khan mà trong đó có đến 7 câu hỏi tích hợp nhiều kiến thức xã hội, địa lý và cả thông tin sự kiện thời sự báo chí đưa gần đây. Chẳng hạn như phần mở đầu cho câu hỏi về phản ứng nào sau đây giải thích quá trình tạo thạch nhũ thì đề đã có một đoạn văn giới thiệu về thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng, động Hương Tích và hang Bồ Nông ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Đặc biệt, đề thi này còn đề cập đến vụ việc thất lạc nguồn phóng xạ của nhà máy thép Ponima 3 ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang được các báo đài đưa tin thời gian qua. Cũng trong câu này, học sinh sẽ nhận biết được ký hiệu của chất phóng xạ và các ký hiệu khác. Ngoài ra, các câu hỏi tích hợp này còn liên hệ thêm vấn đề bô xít ở Tây Nguyên, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thủy ngân...

Trao đổi với Dân trí, thầy Trần Đình Hương - tổ trưởng bộ môn Hóa học của trường cũng là người ra đề thi này cho biết kiểu đề thi này không phải là mới lạ và cũng không gây khó cho học sinh. Việc ra đề tích hợp như thế này sẽ là một xu hướng trong các kỳ thi sắp tới và có thể áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia.

Khi PV đặt vấn đề rằng liệu đề thi như vậy có quá dài và thời gian chỉ 60 phút nên thí sinh sẽ không làm bài kịp, thầy Hương cho rằng đây hoàn toàn là những câu đọc hiểu nên không gây khó và làm mất thời gian của học sinh. “Hơn nữa đề 40 câu nhưng chúng tôi sắp xếp câu dài ngắn cho phù hợp để học sinh tự phân phối thời lượng làm bài nên khó có chuyện không làm bài kịp”, thầy Hương nói.

Thầy Hương cũng cho rằng kiểu ra đề này cũng là cách để đưa thêm kiến thức thực tiễn vào, nhiều em học sinh dù không quan tâm nhưng ít ra cũng có một lượng kiến thức đọng lại. Đồng thời, từ kiểu ra đề này thì cũng gắn với quá trình giảng dạy học sinh, giáo viên cũng phải tích hợp nhiều kiến thức văn hóa, xã hội, địa lý chứ không chỉ là những con số khô khan. Học sinh cũng phải thường xuyên đọc báo, đọc sách cũng như liên hệ thực tế để bổ sung kiến thức của các em.

Sau buổi thi, nhà trường cũng nhận được phản ứng tích cực từ học sinh. Đa phần các em đều thấy lý thú và từ đó nhận thức việc học không chỉ dựa vào lý thuyết mà liên hệ thực tế.

Lê Phương