Bạn đọc viết:

Học sinh thiếu sự yêu thương, dư thừa bạo lực

(Dân trí) - Chưa khi nào bạo lực học đường lại khiến mỗi người cảm thấy bất an đến thế. Ai cũng day dứt tự hỏi: tại sao mới cách đây 10 năm, 20 năm ngôi trường luôn là cái nôi của tri thức, học sinh yêu quý thầy cô, bạn bè yêu thương giúp đỡ nhau.

Cá biệt có một vài bạn ngổ ngáo thì đều được thầy cô cảm hóa, khuyên nhủ. Thời ấy, mọi người ai cũng vất vả kiếm sống, kinh tế các gia đình hầu như còn thiếu thốn, chật vật nhưng bù lại học sinh thế hệ chúng tôi đều gắn bó với nhau, san sẻ giúp đỡ bạn bè một cách chân thành.

Bây giờ kinh tế đi lên, các em học sinh được học hành, vui chơi, dã ngoại đủ kiểu, có thể nói sướng gấp 10 lần thời chúng tôi đi học. Tôi vẫn còn nhớ anh trai tôi đi học còn mặc áo của mẹ tới trường. Giờ thì sao, con em chúng ta đi học quá đủ đầy, lúc nào cũng quần áo mới, sách vở mới, tài liệu tham khảo ngập đầu nhưng tại sao các em giờ sống lạnh lùng, vô cảm với nhau đến thế. Có khi chỉ vì những mâu thuẫn cỏn con, chỉ vì tức nhau 1 câu nói cũng sẵn sàng lao vào đấm đá nhau túi bụi, bắt bạn quỳ, làm nhục bạn công khai giữa đường, kéo bè phái đánh hội đồng uy hiếp bạn bè bằng nhiều hình thức. Thật đáng sợ!

Tôi rất tâm đắc với bài phỏng vấn bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII mới đây khi bà thẳng thắn nêu ra tình trạng giáo dục quá áp lực, thời gian dành cho các môn thể thao văn nghệ và âm nhạc quá ít. Các em quá căng thẳng vì học hành thi cử, không còn thời gian vui chơi thì lấy đâu mà cảm nhận và yêu thương cuộc sống, yêu thương người thân và bạn bè xung quanh. Suốt quãng đời học sinh chỉ bù đầu vào sách vở, thiếu kĩ năng sống thực tế khiến các em sống thờ ơ, vô cảm và chỉ nghĩ tới sự cạnh tranh, hơn thua ngay cả trong mối quan hệ tình cảm bạn bè.

Bạo lực học đường có chiều hướng tăng lên, ngay cả những vùng quê vốn được coi là yên bình thì đây đó vẫn xảy ra những vụ học trò đánh đập nhau tàn bạo. Tôi cũng nghĩ, mạng xã hội đã trở thành cạm bẫy nguy hiểm đối với học trò, nếu như cha mẹ bỏ mặc con, các em muốn làm gì thì làm miễn cuối năm mang về trình cha mẹ giấy khen là được.

Mầm bạo lực có thể cha mẹ vô tình không nhận ra, được ủ trong chính mỗi gia đình. Nếu bản thân người cha, người mẹ không gương mẫu với con cái thì sao tránh được cảnh các em coi thường, hắt hủi và chà đạp lên bạn bè cùng trang lứa vì "ngứa mắt". Cha mẹ nhiều khi chỉ vì bực con không nghe lời, con đang còn ham chơi chưa ngồi vào bàn học, con cãi lý với cha mẹ một điều gì đó là có thể ăn tát ngay lập tức và những trận đòn roi đánh vào người đứa trẻ đến mức "sướng tay", đến lúc bố mẹ hả giận mới thôi. Chỉ vì một lý do đơn giản "bố mẹ bao giờ cũng đúng". Các em sẽ nhiễm được tính bạo lực ấy một cách tự nhiên và khi ra ngoài xã hội, các em cũng ứng xử theo cách đàn áp bạn yếu thế.

Bố mẹ quản 1-2 con đã khó, trách sao được thầy cô và nhà trường giảng dạy hàng nghìn học sinh. Tôi nghĩ, nếu mỗi gia đình chú tâm hơn đến con, yêu thương con bằng sự gần gũi, bao dung chứ không bằng cái cách dạy nghìn xưa để lại "thương cho roi cho vọt" thì chắc hẳn bạo lực học đường không đến mức trở thành một trào lưu câu like trong giới trẻ đến mức ấy.

Phụ huynh có lúc nào dừng lại một chút để nghĩ, phải chăng mình đã biến con thành những cỗ máy nghiền sách vở mà quên mất cách dạy con sống nhân hậu và tử tế với mọi người xung quanh, từ người thân trong gia đình đến bạn bè cùng trang lứa?

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!