Quảng Trị:

Học sinh tiểu học miền núi tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma

(Dân trí) - Trận hải chiến đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) là cuộc chiến đầy bi tráng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã đi vào tâm thức của mỗi người. Trong trận chiến ấy, chúng ta phải đương đầu với quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Để ghi nhớ về sự kiện lịch sử Gạc Ma và nhằm giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, tri ân những người đã anh dũng ngã xuống, Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã xây dựng mô hình trận chiến anh dũng này trong khuôn viên trường để giảng dạy cho học sinh.

Học sinh tham quan mô hình đảo Gạc Ma
Học sinh tham quan mô hình đảo Gạc Ma

Sáng 14/3, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2018), Trường Tiểu học Hướng Phùng tổ chức hoạt động ngoại khóa tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma.

Mô hình “trận chiến Gạc Ma” được xây dựng thành một hồ nước nhân tạo. Giữa hồ nước là khối xi măng tượng trưng cho đảo Gạc Ma, cùng hình ảnh các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang chiến đấu.

Thầy và trò trường Tiểu học Hướng Phùng tham gia tiết học ngoại khóa tri ân các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Thầy và trò trường Tiểu học Hướng Phùng tham gia tiết học ngoại khóa tri ân các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma

Tiết học ngoại khóa có sự tham gia đông đảo của các học sinh và giáo viên toàn trường.

Theo các tài liệu lịch sử, trận chiến Gạc Ma hay còn gọi là “hải chiến Trường Sa” 1988, nổ ra vào ngày 14/3/1988. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược này, Việt Nam đã mất 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.

Tại buổi lễ, thầy trò nhà trường một lần nữa vinh danh các anh, 64 liệt sĩ đã hi sinh ngày 14/3/1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Tiếp đó, học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng đã thả 64 đèn hoa đăng xuống mô hình đảo Gạc Ma…

Trong khuôn viên trường Tiểu học Hướng Phùng, ngoài mô hình đảo Gạc Ma còn có nhiều mô hình lịch sử đầy ý nghĩa như: Cột cờ chủ quyền, bản đồ Việt Nam bằng đá, trong đó nổi bật với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Mô hình đường Trường Sa - lấy tên từ quần đảo Trường Sa
Mô hình "đường Trường Sa" - lấy tên từ quần đảo Trường Sa

Cột cờ chủ quyền được dựng để giáo dục học sinh
"Cột cờ chủ quyền" được dựng để giáo dục học sinh

Theo thầy giáo Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, những mô hình trên mang ý nghĩa giáo dục cho học sinh về lịch sử, quá khứ đấu tranh bất khuất, cũng như sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Hải quân.

Đ. Đức

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục