Học sinh trường chuyên và áp lực thi cử

"Căng thẳng, buồn chán và nhiều lúc nghĩ đến sự giải thoát cho mình khỏi những ức chế, những ánh mắt soi mói... Trong sự im lặng và né tránh, số học sinh trường chuyên <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/8/70223.vip">muốn hành động như Trần Duy Hùng vì không đậu ĐH</a> không phải là hiếm”.

Sau khi báo chí đưa tin về việc HS Trần Duy Hùng tự tử vì thi trượt ĐH, rất nhiều bạn đọc, hầu hết cũng đã hoặc đang là HS trường chuyên, đã chia sẻ tâm sự.

 

Đậu ĐH chưa hẳn đã giỏi...

 

"Tôi rất buồn khi đọc bài báo về em Hùng. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình em... Tuy nhiên, tôi hiểu một phần nào tâm lý của em, bởi chính tôi cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi cũng đã nghĩ đến sự giải thoát cho mình khỏi những ức chế, những ánh mắt soi mói của những người hàng xóm tò mò.

 

Cách đây 3 năm tôi cũng thi trượt ĐH. Tuy số điểm không thấp hơn so với bạn bè nhưng tôi vẫn trượt, do là việc chọn trường của tôi còn quá đua vào sở thích và niềm đam mê. Nhìn bạn bè ít điểm hơn mà vẫn đỗ, còn mình thì trượt nên rất buồn... Suốt một tuần tôi đã không ăn, chỉ nằm khóc và cách ly hoàn toàn với mọi người, kể cả những người thân nhất như bố mẹ. Tôi biết, bố mẹ đã đặt quá nhiều hy vọng vào tôi.

 

Sau một tuần tình trạng đó cũng được cải thiện đôi chút, tôi ra khỏi phòng và nói chuyện về nỗi đau của mình với chị gái. Nhưng với mọi người bên ngoài thì tôi nói thực là tôi không đủ sức mạnh để đối mặt. Và sau đó, để tránh mọi người tôi đã đi học một trường Trung học. Ở trường, môi trường mới đã kéo tôi vượt qua sự đau khổ đó. Và rồi cái gì qua cũng sẽ qua... Giờ tôi đang theo học một trường ĐH tại chức. Tuy có thể tôi không bằng bạn bè nhưng tôi đã xác định được cho mình một con đường đi phù hợp.

 

Tôi mong rằng những lớp em đi sau - những người đã chứng kiến những đau lòng của cha mẹ khi mất con, các em hãy hiểu và đừng đặt vấn đề đỗ - trượt lên làm tiêu chí hàng đầu để tự hào với những người xung quanh. Tương lai còn dài, mọi người hãy chọn cho mình một con đường đi đúng đắn nhất, an toàn nhất và hãy dành một phần nhỏ trong suy nghĩ của mình để nghĩ đến những người thân yêu.

 

Điều tôi muốn nói nhất là sự TỰ TIN - DŨNG CẢM và SẴN SÀNG ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ. Chúc tất cả sự thành công và niềm tin!

(Chu Thị Vân Anh, vananh_1584@yahoo.com)

 

"Tôi là một cựu học sinh trường Lê Hồng Phong (Nam Định). Việc em Hùng tự tử theo tôi nghĩ là em tự cho mình học ở một trường điểm thì phải đỗ ĐH. Vì ai cũng tâm niệm HS trường này rất thông minh và giỏi. Chính vì thế mà tất cả mọi người đều quan niệm học ở đó thì chắc chắn đỗ ĐH. Do đó, có thể tâm lý xảy ra khi sự cố gắng của mình mà không đạt được thì thường trở nên bất mãn".

(Nguyễn Hoàng Anh, giacmôcthat@yahoo.com)

 

Tôi là học sinh trường phổ thông Năng Khiếu (ĐHQG TPHCM). Đây cũng là một trường chuyên có tiếng của cả nước, với một bảng thành tích quốc gia quốc tế dày đặc của các anh chị đi trước để lại. Khi mới vào trường, tôi hoàn toàn bị kiệt sức vì phải "bơi" theo chương trình học của đội tuyển, làm việc người ta thích mình làm chứ thực sự mình không thích làm.

 

Nhưng rồi sau đó, tôi cũng không vượt qua nổi vòng loại để vào đội tuyển thi quốc gia. Tôi tuyệt vọng, cảm thấy mình thật vô dụng và nghi ngờ mục đích của chính mình. Tôi mất nửa năm trời để trả lời câu hỏi :" Liệu việc mình đang làm có phải là việc mình yêu thích, mình làm vì mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi gặp thất bại không?". Không!

 

Tôi đã bị ảnh hưởng quá nhiều vì những lời khen - chê, những hào quang của thành công mà phải cố làm theo những điều người khác đã làm. Cuối cùng, tôi nhận ra "Cái hay nhất của một học sinh trường chuyên không phải là anh ta biết nhiều hơn các học sinh khác, mà là vì BẢN LĨNH và sự TÁO BẠO của anh ta". Tôi đã đắn đó rất kĩ và quyết định: "Chuyển khối học".

 

Đang từ học sinh khối chuyên Sinh, tôi từ bỏ ước mơ thi ĐH Y để quyết tâm theo khối D - khối học tôi thực sự yêu thích. Đó quả là một quyết định khó khăn. Tôi hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường, thầy cô, bạn bè. Một lớp 34 học sinh chỉ có một mình tôi "bơi ngược dòng" làm dân ngoại đạo. Giáo viên chủ nhiệm không giải quyết chuyển lớp cho tôi vì tôi là thiểu số.

 

...Tôi vẫn nhớ như in những buổi trưa bọn bạn đi ăn cơm rồi về nghỉ ngơi thì tôi phải đứng chờ bọn bạn ở lớp chuyên Anh, chuyên Văn ra về để mượn tài liệu học tập. Và vẫn nhớ như in những điểm 3, điểm 5 môn Hóa và những lời chửi mắng của thầy cô khi tôi tỏ ra đuối sức không theo nổi chương trình chung của cả lớp. Thậm chí, đã có lần tôi bị xúc phạm ngay giữa lớp học vì kết quả kiểm tra kém cỏi của mình. GV bộ môn gay gắt "Tôi không hiểu sao Năng khiểu lại có những học sinh như em...".  Tôi không giải thích vì cách nhìn và sự lựa chọn của tôi khác họ, họ không hiểu cũng phải lẽ. Tôi đã chịu đựng suốt năm 12 như thế và đi thi với một tâm trạng cực kì chán nản.

 

Đã xác định rất có thể rớt năm nay vì học trái ngành, tôi vẫn liều mạng thi vào trường khối D cao nhất của TPHCM. Tôi thi  ĐH Ngoại thương. Ngày làm bài thi môn Văn và tiếng Anh, tôi gần như khóc vì đề quá khó! Hơn 2/3 đề bài tôi hoàn toàn bất ngờ vì không được ôn luyện kĩ mà chỉ làm theo cách hiểu của mình. Và tôi đã chuẩn bị tâm lí đi xin việc làm chờ năm sau thi lại... Thế nhưng, phép lạ đã xảy ra, tôi đậu với một số điểm tương đối cao cùa khối D: 24.5 điểm.

 

Mọi người chúc mừng tôi, nhưng tôi không dám nhận những lời khen đó. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng: lần này tôi đã thắng hơn 60% vì sự liều lĩnh và chấp nhận trả giá của mình, chưa hẳn là vì giỏi. Ai đó bảo tôi bản lĩnh, tôi chưa dám nghĩ vậy. Có lẽ, tôi thắng lần này vì tôi đã thấy được 1 điều :" Nếu anh không có kế hoạch của riêng anh, anh phải làm theo kế hoạch của một người khác. Có thể là cha mẹ anh, thầy cô anh, bạn bè anh... đó là điều khó chịu nhất.

(Trương Thị Phương Hạnh, cuuloptruong@yahoo.com)

 

"Áp lực: học trường chuyên mà rớt ĐH thì ê mặt!"

 

Tôi cũng từng là học sinh của một lớp chuyên ở một trường nổi tiếng ở TPHCM. Tuy không mang thương hiệu Lê Hồng Phong nhưng tôi rất hiểu cảm giác của các bạn học sinh trong trường hợp này. Thời tôi đi học và tốt nghiệp cách nay đã 8 năm. Vào lúc đó tôi cũng có những suy nghĩ rất không bình thường sau khi thi xong ĐH - đây là thói quen hay nói đúng hơn là nỗi ám ảnh của những học sinh lớp chuyên, lớp chọn.

 

Họ bị áp lực của nhà trường (rất may là lúc ấy chúng tôi cũng có những giờ được trường bố trí học thêm trái buổi, và đối với chúng tôi như vậy là đã đủ kiệt sức lắm rồi), áp lực với bạn bè (trong lúc bạn bè các trường khác học nhởn nhơ nhưng vẫn được đánh giá là giỏi trong một tập thể bạn bè trung bình. Còn mình, có cố gắng lắm cũng chỉ khá trong một vườn bạn giỏi, nhưng không thể mang cái mác trường chuyên ra để giải thích được). Và áp lực lớn nhất là ở kỳ thi ĐH, đã học trường chuyên lớp chọn mà thi rớt thì ê mặt lắm.

 

Bây giờ đủ lớn, đủ kiến thức để phân tích đúng sai chúng tôi mới nhận ra được rằng rớt ĐH không phải là mất tất cả. Nhưng, tiếc thay những lúc ấy lúc chúng tôi ở cái tuổi 16, 17 như các em bây giờ không phải là có thể bình tĩnh mà phân tích như vậy. Tôi cũng đã phải dằn vặt, tự mình dày vò mình với một suy nghĩ duy nhất ám ảnh trong suốt 1 tháng trời chờ đợi kết quả thi là "nếu mình thi rớt thì sao?" thì thế này, thì thế nọ, và không phải là không có lần nghĩ quẩn như em Hùng đấy.

 

Tôi cam đoan rằng, Hùng trước khi ra đi phải có một khoảng thời gian dài khổ sở, dằn vặt lương tâm. Nếu đem ra so sánh với các lỗi mà người lớn đang mắc phải thì việc thi trượt ĐH không phải là "lỗi" vì em đã cố gắng hết sức mình rồi... Tôi nói ở đây là để rút ra một điều rằng "Trách nhiệm cần phải được quy về những "người lớn" ở xung quanh các em, thầy cô, xã hội và cha mẹ. Họ cần phải biết đến suy nghĩ về tình cảm của các em nữa chứ không phải chỉ riêng thành tích của mình mà để các em tự mò mẫm, tự tìm hướng đi như vậy?"

 

Trường hợp của Hùng chỉ là một trong những trường hợp mà có kết quả đau lòng nhất xảy ra. Tôi đã từng nghe những lời tâm sự của các em sinh viên khi đã đậu đại học, các em cũng nói rằng, khi xưa lúc chờ kết quả thi cũng có suy nghĩ là nếu thi rớt thì sẽ tự tử. Rất may là các em đã thi đậu nên điều đau lòng đã không xảy ra...

(Lê Nguyên Giang Châu, bambi_giang@yahoo.com)

 

Là một người từng trải qua 3 kỳ thi ĐH và là người cũng chịu nhiều sức ép từ các kỳ thi đó. Tôi cũng biết rõ cái cảm giác buồn chán, hối hận, giận bản thân mình, chỉ muốn đi đâu đó thật xa ra khỏi cái thế giới thi cử này... Có lúc tôi cũng muốn "làm" như Hùng nhưng tôi đã kịp nhận ra mọi thứ có ý nghĩa, khi có lời động viên của bố.

 

Giờ tôi đang học CĐ nhưng không hối hận vì có lẽ lực học của mình chỉ có thế, tôi thấy hạnh phúc hơn. Còn Hùng, chắc hẳn đã rất đau khổ trước khi từ giả cõi đời mà không biết rằng tất cả đang chờ cậu ở phía trước. Tôi chỉ muốn nhắn cho các bạn đã, đang và sẽ thi ĐH hãy tự tin vào bản thân mình còn nhiều con đường để sống và cống hiến.mọi việc chưa phải là tất cả nếu ta thi trượt ĐH. Còn các bác phụ huynh "hãy quan tâm hơn tới các con của mình. Cần xác định cái bằng ĐH của các con không có ý nghĩa hơn cuộc sống mà chúng con bên bố mẹ. Hãy quan tâm đến các con như bố tôi đã quan tâm tôi"

(Lê Doãn Vũ, levu_muada@yahoo.com)

 

"Học ĐH không phải là con đường duy nhất?"

 

Đọc bài viết về sự việc của Hùng, tôi cảm thấy rất tiếc cho Hùng. Tôi cũng từng là học sinh của trường chuyên của Đồng Nai, cũng từng cay đắng khi nhận được kết quả thi rớt ĐH. Nhưng tôi xác định, chuyện học hành thì học cả đời! Có thể năm nay thi không đỗ, nhưng năm sau cố gắng thì vẫn có thể đậu ĐH!

 

Hành trang vào đời không nhất thiết phải là tấm bằng ĐH. Cái cần ở đây là kinh nghiệm sống, cái vốn của chính mình khi ra đời, tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống. Mình có đứng vững trong cuộc sống hay không, có mang những kiến thức của mình áp dụng vào thực tế hay không? - đó mới là vấn đề!

 

Tôi không đồng ý với các nhà Giáo dục khi cho rằng : " Kỳ thi ĐH và vào được ĐH là quyết định tương lai của các thí sinh". Nếu nói như vậy thì các sinh viên đang theo học tại các bậc học khác không phải là ĐH, là không có tương lai hay sao? Tôi nghĩ, sự việc đau buồn mà Hùng để lại có thể nó là hậu quả của những gì mà các nhà Giáo Dục đã nói ở trên! Tại sao chúng ta không ra sức động viên các em trước khi thi, giúp cho các em có tâm lý vững vàng hơn trước và sau kỳ thi, còn hơn là suốt ngày rêu rao về tính quyết định, quan trọng của kỳ thi? Chính những quan điểm đó đã làm đè nặng tâm lý không chỉ của thí sinh dự thi mà của toàn xã hội!

 

Trong quá trình cải tiến thi cử làm giảm sức ép của thi tuyển sinh đừng bao giờ coi việc vào ĐH là cánh cửa cuối cùng để vào đời. Cần phải định hướng rõ ràng: Còn rất nhiều cánh cửa khác mà nó có thể giúp bạn bước vào đời vững vàng...

(Yamoto, Đồng Nai)

 

Đây là vấn đề mới nảy sinh từ mấy năm nay do áp lực thi cử và do "căn bệnh" học quá nhiều của một số bạn học sinh cấp 3. Theo em cần nâng cao hơn nữa sự giáo dục trong nhà trường và sự quan tâm của các bậc cha mẹ đến con cái.

 

Đừng dành cho các bạn học sinh cấp 3 quá nhiều áp lực trước mỗi kỳ thi mà hãy để các bạn xác định đúng con đường của mình. Bên cạnh đó mỗi bạn học sinh cần nhận thức đúng bản chất của vấn đề đỗ ĐH hay không là do sức học của mọi người. Đừng vì thi không đỗ ĐH mà làm việc dại dột. Các bạn đã đang và sẽ thi ĐH hãy nghĩ đến phương châm "Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền" mà thôi!

(Nguyễn Đức Nguyên, nguyenducquyen_tqvn83@yahoo.com)

 

Theo tôi, Ban Giám hiệu và các thầy cô trong trường nên luôn luôn giúp đỡ và động viên các em trong quá trình học tập nhiều hơn nữa. Cần phải hướng dẫn và định hướng cho HS chon một ngành nghề cho phù với sức học và điều kiện của mình ngay trước khi bước vào năm cuối cấp.

 

Đồng thời, giáo dục cho các em có lòng tự tin ở mình và mọi người xung quanh mình. Cuối cùng theo tôi là không nên khiển trách quá mức các em trước mặt các bạn khác dễ tạo cho các em nỗi mặc cảm thua xúc bạn bè.

(Tô Thiên Khoa, K_aiduden@yahoo.com)

 

Theo Vietnamnet