Cần Thơ:

Học sinh ủng hộ mô hình CLB “Giáo dục sức khỏe sinh sản”

(Dân trí) - Năm 2010, mô hình câu lạc bộ “Giáo dục sức khỏe sinh sản” được triển khai thí điểm tại 7 trường THPT, đến nay phát triển đến 22 trường THPT trong toàn TP Cần Thơ.

Ngày 29/8, tại TP Cần Thơ diễn ra hội nghị tổng kết mô hình sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên trong các trường học giai đoạn 2008- 2013 do Sở GD-ĐT TP Cần Thơ và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP tổ chức.

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2008, mô hình này được triển khai và thực hiện tại 15 trường THCS và 15 trường THPT. Năm 2010, mô hình câu lạc bộ “Giáo dục sức khỏe sinh sản” được triển khai thí điểm tại 7 trường THPT, đến nay phát triển đến 22 trường THPT trong toàn TP.

Đối tượng được tác động là học sinh khối lớp 10, 11, 12 (độ tuổi từ 15 - 18 tuổi) đang học trong nhà trường, cả nam và nữ. Các trường đều xây dựng kế hoạch hoạt động cho trường mình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: thành lập ban chỉ đạo, phòng truyền thông, hòm thư tư vấn và các câu lạc bộ “Gỡ rối”, “Tuổi hồng”; tổ chức xem băng hình về các vấn đề liên quan đến nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản vị thanh niên; các hội thi tìm hiểu về kiến thức sinh sản…

Qua đó, các em học sinh đã từng bước tiếp cận và thay đổi trong nhận thức và hành vi theo hướng tích cực đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ chỗ né tránh, các em đã tự nhiên cởi mở hơn khi đề cập đến vấn đề này. Qua hơn 5 năm triển khai cho thấy, đây là mô hình mà đối tượng vị thành niên rất cần, đã góp phần giáo dục kỹ năng sống nói chung và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng cho các em.

Qua khảo sát tại các trường THPT, đa số các em đều biết rõ về vấn đề sinh sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, biết cách phòng chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, biện pháp tránh thai an toàn... Các em ở các khối lớp 10, 11, 12 đều đồng tình ủng hộ mạnh mẽ mô hình này.

Tuy nhiên, Sở GĐ-ĐT TP Cần Thơ nhận định, việc triển khai mô hình vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Một phần do các em hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong sinh hoạt, còn bị động về nội dung và chương trình hoạt động. Bên cạnh đó, một số em còn e ngại, từ chối trao đổi xung quanh những thắc mắc, tò mò tuổi mới lớn.

Trong khi đó, các bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức hết được thực trạng đáng lo ngại về hệ lụy sức khỏe sinh sản của con em mình. Khi có chuyện xảy ra, ít người nghĩ đó là lỗi của mình chưa trang bị giúp con kiến thức mà tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và đổ lỗi cho con. Nhiều bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm, trò chuyện với con về những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, về kiến thức sức khỏe sinh sản tình dục an toàn.

Do đó, để mô hình đạt hiệu quả và sâu rộng hơn, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho rằng, nhà trường cần tăng cường phối hợp với ban ngành, đoàn thể địa phương và nhất là phụ huynh học sinh trong việc tuyên truyền theo dõi, giám sát và hỗ trợ hoạt động này cho các em.

Huỳnh Hải