Quảng Trị:

Học sinh vùng cao “chạy đua” ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia

(Dân trí) - Nhằm chuẩn bị cho học sinh vốn kiến thức vững chắc trước khi bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2016, các thầy, cô giáo ở một số trường học miền núi Quảng Trị không quản ngại khó khăn, vất vả để ngày đêm ôn tập cho học sinh, với mong muốn các em đạt được kết quả cao nhất.

Ngoài việc nhà trường phải chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi, các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy ở những trường này cũng luôn xác định việc củng cố lại kiến thức cho học sinh là khâu quan trọng nhất. Bởi đây được xem là giai đoạn “nước rút” quyết định kết quả sau quá trình dài giảng dạy.

“Vắt chân lên cổ” ôn tập cho học sinh

Đến thăm trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận không khí dạy học ở đây rất khẩn trương, bởi thời gian từ nay đến lúc diễn ra kỳ thi không còn nhiều. Trường THPT A Túc cách xa so với trung tâm huyện gần 30km nên điều kiện dạy học vẫn còn nhiều thiếu thốn. Hơn nữa, phần lớn học sinh tham gia học ở trường này chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều. Việc củng cố kiến thức cho học sinh trước kỳ thi được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Học sinh vùng cao “chạy đua” ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia - 1

Thầy Nguyễn Đức Hải, giáo viên trường THPT A Túc dạy ôn tập cho học sinh khối 12

Thầy giáo Phạm Xuân Thảo, Hiệu trưởng trường THPT A Túc cho biết: “Kỳ thi sắp tới, trường có 105 học sinh khối 12 tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Trong đó, 11 em có nguyện vọng thi ĐH-CĐ, 92 em xét tốt nghiệp và sẽ thi ở cụm địa phương. Ngoài ra, có 35 thí sinh tự do, 15 em được bảo lưu kết quả của kỳ thi trước”.

Nhận thức rõ năng lực của học sinh nên ngay từ giai đoạn cuối học kỳ 1, trường đã lên kế hoạch ôn tập để củng cố thêm kiến thức cho học sinh. Để việc ôn tập đạt hiệu quả, trường đã tiến hành phân loại từng nhóm học sinh rồi dựa vào trình độ nhận thức của các em để dạy. “Ngoài thời gian dạy chính khóa, nhà trường tiến hành lồng ghép để thực hiện ôn luyện kiến thức cho các em tất cả các buổi trong tuần. Nội dung ôn tập sẽ dựa vào lực học của các em để dạy, xây dựng phương án ôn tập chú trọng việc củng cố kiến thức cơ bản. Những em học sinh có lực học nổi trội thì sẽ bồi dưỡng thêm.

Trong quá trình ôn tập, các giáo viên sẽ bám sát kiến thức các em đã được học, cho học sinh làm các đề thi của những năm trước để sàng lọc, đánh giá năng lực. Khi đạt yêu cầu thì kiểm tra lại để đánh giá lần nữa”, thầy Thảo cho biết.

Đối với trường THPT Đakrông (huyện Đakrông), các thầy, cô còn tình nguyện dạy thêm cho các học sinh vào buổi tối để trau dồi kiến thức cho các em. Thầy Lê Chí Thông, Hiệu trưởng trường THPT Đakrông cho biết: “Ngay từ tháng 8, nhà trường đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12.

Trong chương trình học của các học sinh được bố trí thêm tiết tự chọn để bồi dưỡng kiến thức cho các em, trong đó tập trung vào hai môn Toán và Văn là những môn học bắt buộc. Sang học kỳ 2 thì giáo viên cũng tích cực phụ đạo cho học sinh. Yêu cầu giáo viên trực tiếp giảng dạy phải phân hóa rõ ràng dựa vào năng lực của các em, có thể phân thành từng nhóm để việc ôn tập đạt hiệu quả.

Trong quá trình dạy sẽ tập trung củng cố kiến thức cơ bản, rèn luyện cho các em giải bài tập, sau đó tổ chức kiểm tra định kỳ. Nhà trường cũng phân chia thành các giai đoạn và có kế hoạch giảng dạy cụ thể. Môn học nào có nhiều em còn yếu thì có thể tăng số lượng tiết học”.

Học sinh vùng cao “chạy đua” ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia - 2

Buổi ôn tập của thầy giáo và học sinh trường Đakrông

Điều khiến các thầy, cô giáo tại các trường học này còn băn khoăn là mặc dù các giáo viên đã cố gắng tận tâm nhưng nhiều học sinh chưa có ý thức trong học tập, đi học không được chuyên cần, các thầy cô phải nhiều lần đi vận động thì mới đến lớp; khả năng tiếp thu bài của các em còn chậm, nhiều em bị hụt kiến thức.

Chính vì vậy mà nhìn chung chất lượng học tập còn thấp. “Công tác dạy học ở vùng cao luôn gặp những khó khăn nhất định như điều kiện kinh tế của người dân và mặt bằng chung ở các địa phương miền núi còn khó khăn; nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến việc học tập của con cái, nhận thức về việc học của các em còn chưa cao, quan niệm về học còn thấp... Đây là những yếu tố cản trở đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay cả việc ôn tập kiến thức cho học sinh nhưng nhiều em cũng bỏ bê dù thầy cô phải đi vận động thường xuyên”, thầy Phạm Xuân Thảo thẳng thắn.

Vượt qua tất cả những khó khăn, nhiều thầy cô giáo ở các trường vùng cao vẫn động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với mong muốn học sinh của mình đạt được kết quả cao nhất, các giáo viên đành quên đi chuyện nghỉ ngơi để tích cực củng cố lại kiến thức cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi.

Sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi

Nhiều năm được chọn là điểm tổ chức thi tập trung cho các học sinh trên địa bàn, trường THPT Hướng Hóa cũng đã lên kế hoạch cho việc tổ chức kỳ thi năm nay. Theo kế hoạch, kỳ thi sắp tới sẽ có khoảng 250 học sinh khối 12 tham gia dự thi tại cụm thi thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức tại trường này, với khoảng 13 phòng thi. Theo đó, ngoài học sinh tại trường thì học sinh các trường khác như: THPT Hướng Phùng, Lao Bảo, A Túc và GDTX sẽ tham gia kỳ thi để xét Tốt nghiệp THPT.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Văn Phướng, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa cho biết: “Sắp tới trường sẽ mời Ban giám hiệu của các trường có học sinh tham gia thi để bàn phương án tổ chức thi. Đối với những học sinh ở xa sẽ phối hợp với trường Phổ thông DTNT để đảm bảo chỗ ăn, ngủ cho các em học sinh suốt những ngày thi. Những năm trước, việc này đã thực hiện tốt, các trường cũng cắt cử giáo viên đưa đón học sinh đến trường thi”.

Học sinh vùng cao “chạy đua” ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia - 3

Đối với học sinh miền núi, việc củng cố kiến thức cho các em trước kỳ thi vô cùng quan trọng

“Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới, nhà trường luôn chú trọng việc ôn tập kiến thức cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi. Nhà trường cũng vạch rõ kế hoạch ôn tập, lượng kiến thức cho từng giai đoạn, từng nhóm đối tượng học sinh. Mục tiêu của nhà trường là tích cực củng cố kiến thức cho học trò để các em tự tin và chuẩn bị tâm thế khi vào thi. Trước đó, nhà trường cũng đã tiến hành tư vấn, định hướng cho các em học sinh việc chọn ngành, chọn nghề để các em xác định hướng đi phù hợp”, thầy Phướng thông tin.

Điểm thi tại trường THPT Đakrông cũng có khá đông học sinh, bao gồm các trường: THPT số 1 và số 2 Đakrông, THPT Tà Rụt và trường GDTX. Thầy Thông cho biết: “Những năm trước cũng đã tổ chức thi tập trung nên mọi thứ đều được đáp ứng, như cơ sở vật chất, số lượng phòng thi, điều kiện ăn ở cho học sinh ở xa… Nhà trường có khu nội trú nên sẽ đảm bảo nơi ở cho học sinh các địa bàn lân cận về dự thi, còn học sinh vùng Tà Rụt thì sẽ bố trí ở trường DTNT. Trong suốt thời gia diễn ra kỳ thi, trường sẽ đảm bảo tốt việc lưu trú để tạo điều kiện cho các em yên tâm trong việc thi cử”.

Đăng Đức